- Luật sư của ông Nguyễn Chánh Tín nêu 3 vấn đề mà 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm chưa giải quyết đúng bản chất của vụ việc liên quan đến căn nhà đang thế chấp.

Mua bán ngôi nhà đang thế chấp

Theo hồ sơ, đầu tháng 7/2008, ba bên gồm: ông bà Nguyễn Chánh Tín – Nguyễn Thị Ngọc Bích, ông Diệp Tấn Dũng - đại diện ngân hàng Phương Nam – chi nhánh Minh Phụng và ông Nguyễn Chánh Minh Thức (SN 1975 – con trai ông Tín, là Tổng giám đốc công ty CP Điện ảnh truyền thông Chánh Tín) có ký kết 1 hợp đồng.

{keywords}
Vợ chồng ông Nguyễn Chánh Tín nhờ luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi

Nội dung hợp đồng gọi là “cấp hạn mức tín dụng” thì ngân hàng Phương Nam “rót” cho công ty Chánh Tín mức tín dụng cao nhất lên đến 10 tỷ 380 triệu đồng, với thời hạn vay 36 tháng (hết hạn vào tháng 7/2011).

Ông Nguyễn Chánh Tín ký vào hợp đồng với tư cách là chủ tịch hội đồng thành viên công ty Chánh Tín. Trong cùng ngày ký hợp đồng trên, ba bên còn ký 1 hợp đồng khác có nội dung ông Tín – bà Bích thế chấp ngôi nhà ở đường Ba Vì, cư xá Bắc Hải, P.15, Q.10 cho ngân hàng Phương Nam để đảm bảo cho phía công ty Chánh Tín vay.

Tuy nhiên chưa đầy 1 năm sau, vào cuối tháng 5/2009 giữa đại diện ngân hàng Phương Nam và vợ chồng ông Tín – bà Bích ký 1 biên bản thoả thuận 2 bên với nội dung, ông Tín – bà Bích bán ngôi nhà trên cho ngân hàng Phương Nam với giá 10,5 tỷ đồng.

Thoả thuận nêu, sau 12 tháng 2 bên ký hợp đồng mua bán ngôi nhà, phía ông Tín – bà Bích giải quyết khoản nợ cho công ty Chánh Tín thì huỷ bỏ hợp đồng mua bán. Nhưng nếu khoản nợ không giải quyết thì ngân hàng Phương Nam sẽ đăng bộ, sang tên nhà.

Được biết thời điểm lúc đó ngân hàng Phương Nam đã “rót” cho công ty Chánh Tín 8,3 tỷ đồng.

Sau đó vì ông Tín – bà Bích không giao nhà, nên đầu tháng 10/2010 ngân hàng Phương Nam kiện ông bà này ra TAND Q.10 để yêu cầu thực hiện việc giao căn nhà.

Như vậy thời điểm ký kết hợp đồng mua bán căn nhà (tài sản đang thế chấp, bảo lãnh cho công ty Chánh Tín vay vốn) giữa vợ chồng ông Tín – bà Bích với ngân hàng Phương Nam, đều không có bên công ty Chánh Tín tham gia như là một điều kiện bắt buộc.

Ngoài ra, việc mua bán này cho thấy có điều kỳ lạ, ngân hàng Phương Nam giải chấp tài sản đang thế chấp để mua bán, ít nhiều có nhiều rủi ro và vi phạm các quy định về tín dụng?

Tạm hoãn thi hành án, kháng nghị giám đốc thẩm

Tại phiên toà sơ thẩm, phía ngân hàng xác nhận tiền mua bán căn nhà trên đã chuyển đủ cho vợ chồng ông Tín – bà Bích theo phiếu chi đầu tháng 6/2009. 

Tuy nhiên phía vợ chồng này cho rằng, tiền mua bán nhà chưa thanh toán theo thoả thuận; mà vợ chồng ông “hiểu ngầm” việc mua bán là để giải quyết khoản nợ dứt điểm cho công ty Chánh Tín. Do đó tại phiên toà sơ thẩm, đại diện cho vợ chồng ông Tín – bà Bích đề nghị huỷ hợp đồng mua bán căn nhà.

{keywords}
Vợ chồng ông Tín – bà Bích đang quá trình kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm vụ án.

Cũng tại toà, 2 người con của ông Tín – bà Bích và 3 người ở trong ngôi nhà, xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Trong đó trường hợp ông Nguyễn Thọ Trung có có văn bản trình bày, trong phần thuộc ngôi nhà ông có gần 28,5m2 đang quản lý, sử dụng từ năm 2007, đến tháng 6/2010 ông đã mua lại của sở Xây dựng và hội đồng bán nhà.

Do đó ông cho rằng, việc ông Tín – bà Bích bán phần diện tích gần 28,5m2 là xâm hại đến quyền lợi của ông.

Tuy nhiên TAND Q.10 tuyên, công nhận hợp đồng mua bán, yêu cầu vợ chồng ông Tín – bà Bích giao căn nhà cho ngân hàng Phương Nam.

Còn tại phiên phúc thẩm của TAND TP.HCM diễn ra cuối tháng 3/2013 cũng tuyên giữ y án sơ thẩm.

Đến nay phía ngân hàng Phương Nam, đại diện là ông Nguyễn Văn Nhân – Tổng giám đốc, xác nhận, việc liên quan đến căn nhà của ông Tín – bà Bích, phía ngân hàng đều tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật. Ông này cho hay, việc ngân hàng giải chấp tài sản là căn nhà đang thế chấp để bán lại cho phía ngân hàng cũng là điều hợp lý?

Phía vợ chồng ông Tín – bà Bích cho rằng, việc mua bán căn nhà mà vợ chồng ông hiểu để giải quyết khoản nợ cho công ty Chánh Tín của con trai, hoàn toàn chưa nhận tiền mua bán. Về thông tin có 2 phiếu chi đã thanh toán tiền mua bán thì ông Tín cho rằng vợ chồng ông bị…sập bẫy.
Được biết đến nay vợ chồng ông Tín – bà Bích đã uỷ quyền cho luật sư Lê Quang Vũ – văn phòng luật sư Người Nghèo tham gia bảo vệ quyền lợi.

Theo luật sư này: qua hồ sơ vụ án, thấy nổi bật 3 vấn đề: thứ nhất, phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm chưa giải quyết đúng bản chất của vụ việc, thực chất việc mua bán căn nhà là để cấn trừ nợ.

Thứ hai, vì bản chất mua bán là cấn trừ nợ nên diễn biến hiện gây bất lợi cho vợ chồng ông Tín – bà Bích, khoản nợ của công ty Chánh Tín vẫn còn đó. Và thứ ba, 2 phiên toà có dấu hiệu vi phạm khi không tuyên về phần diện tích trong ngôi nhà của ông Nguyễn Thọ Trung cũng như những người có ở trong căn nhà.

Vợ chồng ông Tín – bà Bích đã có đơn kháng nghị vụ án dân sự theo trình tự giám đốc thẩm gửi đến cơ quan tố tụng tối cao. Trước mắt vợ chồng này cũng vừa gửi đơn cho Chi cục thi hành án dân sự Q.10 để tiếp tục tạm hoãn thi hành án lần thứ 2 để chờ kết quả giải quyết.

Anh Sinh