Xét về mặt doanh số, có thể nói hai thế hệ Bphone đầu tiên không thật sự thành công. Bphone 2017, chiếc máy được đánh giá là khá khẩm hơn nhiều thế hệ đầu tiên, chỉ bán được 10.000 chiếc. Đây là con số có thể nói là khiêm tốn so với những nỗ lực mà BKAV đã bỏ ra trong suốt nhiều năm qua. Bphone mặc dù đã có mặt trên thị trường trong một khoảng thời gian không hề ngắn, tuy nhiên nhiều người nói rằng họ chưa từng thấy một người Việt nào ủng hộ smartphone "Made in Vietnam" này cả. Rõ ràng, những chiếc smartphone thuần Việt như Bphone vẫn chưa tạo được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng.
Thất bại về mặt doanh số, tuy nhiên BKAV chẳng có vẻ gì là nhụt chí. Trên thực tế, BKAV không coi doanh số làm mục tiêu chính: thay vào đó, sứ mệnh của hai thế hệ Bphone đầu tiên, theo BKAV, là "định vị thương hiệu và khẳng định niềm tin vào chất lượng smartphone Việt".
Thế nhưng, suy cho cùng thì BKAV cũng không thể cứ chỉ xây dựng thương hiệu và hình ảnh mãi để rồi chẳng bán được chiếc máy nào. Đã đến lúc BKAV cần kiếm được tiền từ Bphone, và, Bphone 3 sẽ là chiếc smartphone mà BKAV phải đầu tư toàn lực để bán.
Vậy, BKAV đã làm gì để Bphone 3 trở thành một chiếc máy hấp dẫn hơn trong mắt người dùng?
Bphone 3 sở hữu nhiều nâng cấp so với Bphone 2017, nhưng trước khi đi chi tiết vào những nâng cấp đó, hãy cùng đi vào thứ "nâng cấp" mà theo tôi là lớn nhất - đó là giá bán. Giá bán cao vẫn luôn là lời phàn nàn phổ biến nhất của người dùng về Bphone, và BKAV đã khắc phục điều này trên Bphone 3.
Nếu như Bphone thế hệ đầu tiên có giá khởi điểm gần 11 triệu đồng, Bphone 2017 là gần 10 triệu đồng thì Bphone 3 chỉ là 6.99 triệu đồng. Thực tế, Bphone 3 còn có phiên bản Pro với giá 9.99 triệu đồng, tuy nhiên với việc nó chỉ hơn một chút về cấu hình, rõ ràng phiên bản Bphone 3 tầm trung sẽ là chiếc máy được BKAV tập trung nhiều hơn. Với mức giá mà người dùng có thể dễ dàng chấp nhận, cộng thêm việc tầm trung vẫn luôn là phân khúc sôi động nhất trên thị trường, Bphone 3 cũng vì thế mà có nhiều cơ hội thành công hơn so với hai người tiền nhiệm.
Tuy nhiên, dấn thân vào phân khúc tầm trung cũng đem đến nhiều trở ngại cho BKAV, khi đây vẫn là phân khúc chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt. Đối thủ của BKAV sẽ không chỉ là các thương hiệu lớn như Samsung hay Oppo, mà còn là những "ngôi sao mới nổi", chủ yếu đến từ Trung Quốc như Xiaomi, Huawei, Honor hay Realme.
Khi nhìn vào những chiếc điện thoại ở phân khúc tầm trung, đặc biệt là các sản phẩm đến từ Trung Quốc, chúng ta có thể thấy chúng giống nhau đến kỳ lạ. Phần nhiều trong số những chiếc máy đó đều sở hữu màn hình tai thỏ, quay ra mặt lưng thì sẽ thấy cụm camera kép. Các nhà sản xuất Trung Quốc nhờ lợi thế về quy mô và dây chuyền sản xuất linh kiện nên có thể tích hợp cấu hình mạnh và nhiều công nghệ trong khi giữ mức giá rẻ, còn BKAV thì lại không có lợi thế đó.
Thử nghĩ xem: Nếu BKAV chạy theo trào lưu, tạo ra một Bphone 3 "tai thỏ" và camera kép như bao chiếc máy khác trong khi giá lại cao hơn, có lẽ sẽ chẳng ai thèm đoái hoài đến nó. Chính vì vậy, BKAV đã nỗ lực tạo cho Bphone 3 những yếu tố khác biệt, tạo ra một cái "chất" riêng cho sản phẩm của mình, hy vọng nó sẽ nổi bật giữa đám đông và được người dùng để mắt đến.
Có lẽ yếu tố độc đáo nhất, giúp tách biệt Bphone 3 khỏi đám đông là màn hình tràn đáy. Giữa một rừng smartphone Android với "cằm" và "tai thỏ", Bphone 3 với màn hình viền siêu mỏng quả là khác biệt. Nhưng có phải cứ khác biệt là tốt hơn?
Màn hình tràn đáy của Bphone 3 là một chủ đề khá là tranh cãi. Một số người khen nó đẹp, nhưng một số người lại chê nó xấu. Chúng tôi cho rằng màn hình tràn đáy của Bphone 3 không đem lại bất kỳ ưu thế nào so với các sản phẩm khác - nó chỉ là một cách đầy sáng tạo của BKAV nhằm tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Đẹp hay không chỉ là sở thích của mỗi người mà thôi.
Phần cứng tốt: Màn hình tràn đáy với viền dưới siêu mỏng
Tuy nhiên, phần mềm của Bphone 3 vẫn còn một vấn đề nhỏ khiến cho vẻ đẹp của màn hình tràn đáy chưa được tận dụng đến mức tối đa. Hiện nay, vẫn còn một lượng ứng dụng Android chưa được tối ưu hoá để hiển thị tốt trên màn hình tỷ lệ dài 18:9, tạo ra một khoảng trống màu đen xấu xí nằm ở cạnh dưới màn hình. Nhận biết được điều này, một số nhà sản xuất đã bổ sung tính năng nhằm "ép" các ứng dụng đó có thể chiếm trọn màn hình. Nhưng, Bphone 3 lại không có tính năng này, khiến cho một cái "cằm ảo" xuất hiện ở một vài ứng dụng mà không có cách nào khắc phục. Dù sao, đây cũng là một hiện tượng hiếm gặp do đa phần ứng dụng phổ biến đều đã được cập nhật.
Phần mềm tệ: Một số ứng dụng chưa được tối ưu hóa sẽ để lại viền đen dày ở cạnh dưới. Người dùng không có tùy chọn để ép ứng dụng hiển thị ở tỷ lệ 18:9 như những smartphone khác.
Bphone 3 sở hữu camera đơn với độ phân giải 12MP và khẩu độ f/1.8. Tuy nhiên, Bphone 3 vẫn có khả năng xóa phông bằng phần mềm, sử dụng thuật toán DeepLab của Google và công nghệ riêng của BKAV mang tên Bkav Natural Bokeh. Có thể thấy: nếu như các smartphone khác đều có một camera phụ để đo khoảng cách và hỗ trợ cho tính năng chụp ảnh xóa phông, thì Bphone 3 phó mặc hoàn toàn nhiệm vụ này cho phần mềm. Đây là một hướng đi hết sức khác biệt mà không nhiều nhà sản xuất lựa chọn. Nhưng có phải cứ khác biệt là tốt hơn?
Phần cứng tốt: Camera chính 12MP, khẩu độ f/1.8 lớn...
... tốt đến độ BKAV tự tin so sánh phần cứng camera của Bphone 3 với iPhone X và iPhone XS!
Bên cạnh khả năng xoá phông phần mềm, BKAV còn khá tự hào về công nghệ AI Camera của mình. Trong bài thuyết trình ra mắt sản phẩm, BKAV "khoe" rằng mình là nhà sản xuất đầu tiên đưa AI vào camera, thậm chí trước cả Apple. Tuy nhiên, rõ ràng điều quan trọng ở đây không phải là ai là người đầu tiên, mà phải là ai mới là người làm tốt hơn.
BKAV còn khẳng định mình đưa AI vào camera trước cả Apple.
Đầu tiên, cần khẳng định camera của Bphone 3 tốt hơn Bphone 2017 rõ rệt. Tuy nhiên, điều đó không đem lại nhiều ý nghĩa do chất lượng ảnh của Bphone 3 vẫn chỉ ở mức bình thường và chưa có gì nổi bật so với các sản phẩm khác trong cùng phân khúc.
Điểm yếu lớn nhất của những ảnh từ Bphone 3 là dynamic range. Trong điều kiện đủ sáng, ảnh Bphone 3 thường có khuynh hướng bị mất chi tiết ở các vùng tối (shadow), trong khi vùng sáng (highlights) không phải lúc nào cũng được giữ toàn vẹn. Cách xử lý này khiến cho ảnh của Bphone 3 trông không "đã mắt" và tạo cảm giác bị tối ở chủ thể.
Phần mềm tệ: Không có HDR tự động, ảnh thường có dynamic range kém
Đến đây, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: "Vậy liệu khi bật HDR thì mọi chuyện có khá khẩm hơn không?" Câu trả lời là có, nhưng chế độ HDR của Bphone lại tạo ra một vấn đề mới là nhiễu hạt ở vùng tối (shadow). Dưới đây là một vài bức ảnh khi chụp ở chế độ HDR, và khi chúng ta "soi" vào những vùng tối của bức ảnh, có thể thấy rõ tình trạng nhiễu và bợt màu. Cần lưu ý rằng, Bphone 3 chỉ có chế độ HDR bật và tắt chứ không có HDR tự động, vậy nên người dùng sẽ phải tự mình quyết định xem có nên bật HDR hay không.
Phần mềm tệ: Ảnh HDR bị noise ở vùng shadow ngay cả ở điều kiện đủ sáng
Không rõ "AI" của Bphone đã can thiệp gì, chỉ biết rằng thuật toán xử lý ảnh của chiếc máy này không ổn định và khiến phong độ chụp ảnh của chiếc máy này rất "phập phù": có những lúc cho ra ảnh đẹp, có những lúc cho ra ảnh tệ một cách khó hiểu.
Trong điều kiện thiếu sáng, một lần nữa, chất lượng ảnh của Bphone 3 tỏ ra thiếu ổn định. Có những thời điểm ảnh cho ra sáng rõ, sắc nét và ít nhiễu. Tuy nhiên, có những thời điểm ảnh lại bị khử nhiễu quá mạnh khiến mất chi tiết, có những thời điểm ảnh lại bị noise thấy rõ và xếp thành nhiều sọc. Nhìn chung, cũng như trong điều kiện đủ sáng, Bphone 3 có phong độ không ổn định khi chụp ảnh thiếu sáng khi mỗi lúc ảnh lại cho ra một kết quả khác nhau.
Có những lúc ảnh chụp từ Bphone 3 bị khử nhiễu quá mạnh tay và khiến cho chi tiết bị mất hoàn toàn. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi so sánh với một smartphone khác như Vsmart Active 1.
Tuy nhiên, có những lúc khả năng khử nhiễu của Bphone 3 lại không hiệu quả, tạo ra những sọc ngang dọc trên bức ảnh.
Khả năng chụp ảnh Bphone 3 thiếu ổn định và cho kết quả khó đoán: có những lúc nó cho ảnh rất ổn, nhưng cũng có lúc ảnh cho ra thật là tệ.
Để thao tác trên Bphone 3, người dùng sẽ dùng cử chỉ vuốt thay cho thao tác phím điều hướng. Thực tế đã có nhiều nhà sản xuất trang bị thao tác cử chỉ cho sản phẩm của mình; tuy nhiên, BKAV có lẽ là nhà sản xuất đầu tiên tự tin vào những thao tác này đến độ loại bỏ cả tùy chọn bật/tắt phím điều hướng ảo. Thậm chí, hãng còn bổ sung một số thao tác mới như điều chỉnh nhanh độ sáng màn hình/âm lượng, chụp ảnh màn hình hay khóa máy. Nhưng có phải cứ khác biệt là tốt hơn?
Thao tác điều hướng cử chỉ của Bphone 3.
Về cơ bản, hệ thống điều hướng cử chỉ của Bphone 3 hoạt động khá tốt. Hiệu ứng chuyển cảnh được thực hiện mượt mà. Tôi đặc biệt thích thao tác mở bảng điều khiển nhanh ở sự tiện lợi, khi tôi không cần phải dùng ngón tay kéo từ cạnh trên như đa số máy Android khác nữa.
Bphone 3 cho phép mở nhanh bảng điều khiển bằng cách vuốt ngón tay từ cạnh trái/phải.
Mặc dù vậy, hệ thống điều hướng này không hoàn hảo. Có những lúc hiệu ứng chuyển cảnh của máy hiển thị không chính xác và tạo nên cảm giác giật cục. Nhưng, khó chịu hơn cả là một số cử chỉ khiến người dùng gặp phiền toái. Ví dụ, khi cầm máy, lòng bàn tay của người dùng chạm vào mép màn hình sẽ vô tình kích hoạt thanh điều chỉnh âm lượng và độ sáng. Hay, thao tác khóa màn hình nhanh (bằng cách vuốt từ mép trái/phải rồi vuốt ngược lại) cũng không thật sự hữu dụng mà đem lại sự ức chế cho người dùng thì nhiều hơn. Tôi cho rằng BKAV nên bổ sung tùy chọn cho phép bật/tắt những cử chỉ này, hơn là bắt ép người dùng phải "sống chung với lũ".
Đã có không ít lần tôi gặp tình trạng âm lượng tăng giảm bất ngờ do lòng bàn tay chạm vào cạnh màn hình, vô tình kích hoạt cử chỉ điều khiển âm lượng nhanh.
Nói về phần mềm, BKAV sử dụng "hệ điều hành" BOS, và trên Bphone 3 là BOS 3.0. Sở dĩ tôi đặt từ "hệ điều hành" trong ngoặc kép vì đây là một từ dường như đang bị phóng đại hoá: BOS vẫn dựa trên nền Android, và Android mới là hệ điều hành. Cái mà BKAV gọi là "BOS" kia chỉ là những tuỳ biến trên nền Android, tương tự như cách mà Samsung làm với Samsung Experience, hay Xiaomi với MIUI, Huawei với EMUI…
Giao diện của BOS 3 trên Bphone 3
Như đã nói ở trên, BKAV muốn tạo ra bản sắc riêng cho sản phẩm của mình. Vì vậy, phần mềm cũng là một thứ mà BKAV tập trung cải tiến - dẫu sao thì BKAV cũng có xuất phát điểm là một tập đoàn về phần mềm. Bên cạnh những thành phần giao diện cơ bản như màn hình khoá, màn hình chính, thanh thông báo... BKAV còn tự phát triển các ứng dụng hệ thống như Điện thoại, Tin nhắn, Trình duyệt, Thư viện ảnh, Lịch, BKAV Mobile Security… mà không sử dụng các ứng dụng có sẵn của Google (các ứng dụng Google vẫn được cài đặt nhưng không phải là mặc định). Điều này giúp cho Bphone 3 có một trải nghiệm khác biệt so với những smartphone khác trên thị trường. Nhưng có phải cứ khác biệt là tốt hơn?
Các ứng dụng hệ thống đều do BKAV tự viết
BOS 3.0 có nhiều điểm tích cực. Một số điểm nhỏ nhặt như trình duyệt Chim Lạc có thanh địa chỉ được đặt ở cạnh dưới và tích hợp trình chặn quảng cáo, chặn tin nhắn rác, thao tác mở bảng điều khiển dễ dàng, bàn phím cho cảm giác gõ tốt, thực hiện cuộc gọi từ danh bạ nhanh hay tính năng chống trộm qua tin nhắn SMS… đều ít nhiều giúp tăng trải nghiệm người dùng.
Bàn phím là một trong những điểm tốt nhất của Bphone 3
Tuy nhiên, chính sự can thiệp sâu vào Android đã tạo nên nhiều vấn đề phiền phức dành cho người dùng Bphone. Vấn đề lớn nhất chính là hiệu năng: mặc dù có cấu hình không hề tệ (Snapdragon 636, RAM 3GB), tuy nhiên tình trạng giật/lag thường xuyên xảy ra. Tình trạng này dễ gặp nhất khi người dùng vừa mở khoá máy - có những thời điểm chiếc Bphone 3 của tôi bị treo từ 2-3 giây rồi mới có thể sử dụng được. Điều này khiến cho trải nghiệm sử dụng Bphone thật sự ức chế.
Khi người dùng cắm tai nghe vào máy nhưng không sử dụng, họ cũng sẽ nghe thấy tiếng lẹt xẹt nhỏ, nhưng không kém phần khó chịu. Chúng tôi chưa rõ đây là một lỗi phần cứng hay phần mềm, chỉ biết rằng đây là vấn đề đã được nhiều người dùng Bphone phàn nàn nhưng BKAV chưa khắc phục. Thật sự đáng tiếc cho một chiếc máy mà những người tiền nhiệm của nó từng nổi danh bởi chất lượng âm thanh tuyệt đỉnh.
Bphone 3 không có jack cắm tai nghe và tạo ra âm thanh lẹt xẹt rất khó chịu, khiến đây không phải là một sự lựa chọn lý tưởng dành cho những người thích nghe nhạc.
Mỗi khi cài đặt ứng dụng từ file APK, máy sẽ quét virus bằng phần mềm BMS. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như BMS thường xuyên nhận dạng sai các file APK "sạch" là virus, gây hoang mang cho người dùng. Một ví dụ cụ thể là file cài đặt game Fortnite - một tựa game mà nhà phát hành yêu cầu người dùng phải tải APK về chứ không thể cài đặt qua Play Store. Thực chất, đây là vấn đề mà chúng tôi đã phàn nàn từ thời Bphone 2017 - tuy nhiên có vẻ như BKAV vẫn chưa thể khắc phục được.
Khi cài đặt ứng dụng cho Bphone 3 bằng file APK, tỷ lệ cao là chiếc máy này sẽ lập tức báo nó là virus, kể cả khi file đó được tải từ nguồn tin cậy.
Trình duyệt Chim Lạc được tích hợp trình chặn quảng cáo. Đây là một tính năng rất hữu ích, tuy nhiên nó khiến cho một số website bị mất bố cục hoàn toàn và không thể hiển thị được chính xác. Người dùng lại phải tốn công tắt bộ chặn quảng cáo sau đó reload lại trang - khá mất thời gian.
Trình chặn quảng cáo của trình duyệt Chim Lạc gặp vấn đề với một số website, khiến cho nó hiển thị không chính xác. Trong ảnh là diễn đàn XDA-Developers khi bật chặn quảng cáo (trái) và tắt chặn quảng cáo (phải).
Bên cạnh một số ứng dụng được đầu tư, BOS cũng tồn tại nhiều ứng dụng được thiết kế rất sơ sài. Một số ứng dụng như "Đổi hình nền" (chạm vào sẽ lập tức đổi hình nền của máy), Home (đường dẫn đến trang tin của BKAV), Khám phá (dẫn đến website giới thiệu tính năng Bphone) thật sự rất thừa thãi, nhưng người dùng lại không thể gỡ bỏ đi được. Những ứng dụng khác như Ghi chú, Nhắc việc, Quản lý file… vẫn có giao diện sơ sài, ít tính năng và khiến người dùng phải chuyển sang các ứng dụng bên thứ ba.
Để duy trì hiệu năng, Bphone có tính năng tự động khởi động lại. Đây là một tính năng không quá mới và đã xuất hiện trên nhiều dòng máy của các hãng khác, tuy nhiên cách mà Bphone 3 làm lại khiến người dùng không khỏi bực mình: thay vì lựa chọn thời điểm người dùng không sử dụng máy để khởi động lại (ví dụ như nửa đêm), thì Bphone 3 lại khởi động lại khi người dùng cắm sạc, bất kể thời điểm nào trong ngày. Điều này khiến tôi rất khó chịu, đặc biệt trong những lúc cần sử dụng máy gấp hoặc đang chờ cuộc gọi đến.
Khi cắm sạc Bphone, bạn có 10 giây để bấm vào nút Cancel. Nếu bạn không bấm kịp, máy sẽ tự động khởi động lại vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Cứ thi thoảng mở khóa Bphone, tôi lại nhận được một "lời mời", hay đúng hơn là sự vòi vĩnh tham gia vào nhóm Bphone trên Facebook. Thông báo này được thiết kế khá thông minh với nút Tham gia rất lớn, nhưng nút X để từ chối lại bé tẹo và được đặt ở góc. BKAV nói rằng Bphone là điện thoại không tin nhắn rác, vậy mà có vẻ như chính BKAV đang đi ngược lại chân lý của mình.
Cập nhật phần mềm, hay cụ thể hơn là cập nhật phiên bản Android, là một điểm mà BKAV rất kém. Tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã có mặt trên thị trường smartphone được 3 năm, nhưng chưa một lần nào BKAV tiến hành cập nhật phiên bản Android cho sản phẩm của mình. Hai thế hệ Bphone trước vẫn "dậm chân tại chỗ" ở nguyên bản Android nguyên gốc của nó là Android 5 Lollipop và Android 7 Nougat.
Điều đáng nói nhất ở đây là việc BKAV không cập nhật Android không phải do hãng không làm được - mà là do BKAV không hề muốn làm vậy. Trả lời trên các hội nhóm trước người dùng, câu trả lời chung của nhiều đại diện BKAV là "không cần phải cập nhật Android vì BOS đã đủ các tính năng". Vì vậy, nếu bạn là một người mong muốn trải nghiệm những tính năng mới nhất của Android, đừng mua Bphone 3.
Câu trả lời dập khuôn được các công tác viên của BKAV đưa ra mỗi khi có người dùng hỏi về vấn đề cập nhật phần mềm
Cùng tổng hợp lại những ưu và nhược điểm của Bphone 3 ở trên, chúng ta có thể thấy rõ một tình trạng chung: Bphone 3 có phần cứng rất tốt, thậm chí không hề kém cạnh so với các ông lớn. Tuy nhiên, phần mềm của chiếc máy này lại chưa cho thấy sự hoàn thiện cần thiết. Những vấn đề về hiệu năng, chất lượng camera, ứng dụng đi kèm hay cập nhật khiến cho Bphone 3 chưa đủ sức để cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm trong cùng phân khúc.
Đây là một điều khiến tôi cảm thấy hết sức đáng tiếc. Tiếc là vì Bphone 3 là chiếc máy tạo được thiện cảm ban đầu với rất nhiều người, trong đó có tôi. Tuy nhiên, đó chỉ là ấn tượng ban đầu, và bạn cần thời gian sử dụng thì mới biết được một sản phẩm có tốt hay không. Và đó chính là khi điểm yếu về phần mềm của chiếc máy này mới bộc lộ.
Đáng tiếc là vậy, nhưng những vấn đề về phần mềm của Bphone 3 cũng khiến tôi… khó hiểu. BKAV là một tập đoàn có xuất phát điểm là phần mềm, nhưng vì một lý do nào đó mà phần mềm của Bphone lại thật tệ. May thay, phần mềm là có thể khắc phục bằng các bản cập nhật và Bphone 3 hoàn toàn có thể cải thiện hơn trong thời gian tới (với điều kiện BKAV chịu khó cập nhật cho chiếc máy này).
Phần cứng của Bphone 3 chẳng có điểm gì để chê, tuy nhiên phần mềm lại khiến mọi nỗ lực về phần cứng của BKAV trở nên vô nghĩa.
Nhưng nhìn theo một chiều hướng tích cực, việc một tập đoàn phần mềm vượt qua giới hạn của chính mình để có những bước tiến vượt bậc về phần cứng đã cho thấy BKAV hoàn toàn có tiềm năng để phát triển trong lĩnh vực smartphone. Vào thời điểm năm 2015 ít ai nghĩ được rằng BKAV sẽ đủ sức tạo ra một chiếc máy như Bphone 3. Và nay, điều tưởng chừng như không thể đó đã trở thành hiện thực.
Tương lai còn rộng mở với BKAV. Nếu như phần cứng khó như vậy mà BKAV còn có thể làm được, thì tôi tin rằng BKAV cũng sẽ không mất nhiều thời gian để hoàn thiện nốt khâu phần mềm còn lại. Hãy hy vọng rằng trên thế hệ Bphone tiếp theo, BKAV sẽ giải quyết nó triệt để để biến Bphone thành một chiếc máy không chỉ để ngắm cho sướng con mắt, mà còn là để dùng một cách thật sự.