- Sáng nay, Bộ TT&TT làm việc với cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí về hoạt động của VP đại diện và phóng viên thường trú độc lập của cơ quan báo chí.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì cuộc làm việc.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Xuân Lộc

Mở đầu cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo Cục Báo chí nhận xét, đánh giá về hoạt động VP đại diện, phóng viên thường trú độc lập của một số cơ quan báo chí.

Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Lưu Đình Phúc cho hay, hiện nay có tình trạng không chỉ ở một tờ báo mà nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là các tạp chí đã buông lỏng quản lý VPĐD.

“Nhiều VPĐD cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên tràn lan, có cả loại giấy chứng nhận phóng viên, phát sinh tình trạng bán giấy giới thiệu, giấy chứng nhận. Có trường hợp bán cho đối tượng không liên quan báo chí, thậm chí bán cho người buôn bán sắt thép, lợi dụng để đi làm”, ông Phúc nói.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sai phạm của các VPĐD được ông Phúc chỉ ra là do cơ quan báo chí “khoán trắng” cho VPĐD. Khi đó, các cơ quan báo chí không kiểm soát được VPĐD đang làm gì và đang làm thế nào.

Nhiều VPĐD, PV thường trú hoạt động không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Có phóng viên chuyên về vấn đề sức khỏe, ô tô xe máy… nhưng đi vào cả vấn đề xây dựng, quy hoạch.

 

{keywords}
Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Lưu Đình Phúc nói về tình trạng buông lỏng quản lý VPĐD của một số cơ quan báo chí

 Ngoài ra, nhiều VPĐD có phóng viên hoạt động độc lập không thông báo với chính quyền địa phương, khi chấm dứt hoạt động trưởng VPĐD cũng không thông báo cho ủy ban.

Hiện nay, công tác tuyển chọn phóng viên thường trú độc lập, cộng tác viên ở địa phương rất dễ dãi, không có nghiệp vụ, yếu kém về chính trị, đạo đức nghề báo. Có trường hợp từng chống người thi hành công vụ, vận chuyển quặng trái phép; có trường hợp đã bị truy nã, từng cướp tài sản công dân giờ lại làm cộng tác viên mang máy đi phỏng vấn.

Đáng lưu ý, có nhiều phóng viên quan hệ với xã hội đen và những đối tượng chống phá chính quyền, quan hệ với kẻ cơ hội chính trị tham gia tổ chức phản động và những đối tượng hay viết bài chống phá chế độ. Nhiều trường hợp tống tiền xong lại chuyển cho người khác tống tiền tiếp.

“Ở góc độ quản lý, chúng tôi thấy nếu như cơ quan báo chí tiếp tục xảy ra vi phạm nghiêm trọng, nhiều lần và kéo dài thì cơ quan chủ quản phải có biện pháp xử lý người đứng đầu. Cơ quan chủ quản cần rà soát, xem xét nếu cơ quan báo chí không đảm bảo tài chính hoạt động thì sẽ xem xét đình bản. Các cơ quan báo chí cần thắt chặt việc cấp giấy giới thiệu, ban hành giấy chứng nhận và các loại thẻ”, ông Lưu Đình Phúc đề xuất.

Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo TƯ) Trần Thanh Lâm đề nghị lãnh đạo Bộ TT&TT, Cục Báo chí, từ việc nhận định, chỉ ra thực trạng, phải cho thông tin lan tỏa tới tất cả lãnh đạo cơ quan chủ quản, báo chí thấy được bức tranh chung, trong đó có nhiều vấn đề đặt ra để có giải pháp cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị thì mới hiệu quả.

Mặt khác, lãnh đạo Bộ TT&TT cần tiếp tục chỉ đạo để có các đoàn thanh tra liên ngành, không chỉ thanh tra thường xuyên mà nên thanh tra đột xuất để có thể nắm bắt sát hơn nữa, có thể thanh tra đột xuất cả những đơn vị đã kiểm tra. 

Nhiều lo ngại

Góp ý kiến, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho biết, một số báo hình thành phòng, ban quản lý PV thường trú, nhưng cũng có nơi đặt PV dưới sự điều hành của thư ký toà soạn, không quản lý về mặt tổ chức hành chính nên chỉ khi có bài vở mới liên hệ, còn hoạt động khác thì bơ vơ như những người độc lập, việc giám sát hàng ngày, hàng giờ chưa tốt.

Ông cho hay, bức tranh PV thường trú đang là vấn đề rất lo ngại. Dẫn ví dụ tại đơn vị mình, ông Sưởng cho biết, khi đánh giá cuối năm 9 PV thường trú thì 90% không hoàn thành nhiệm vụ về chuyên môn, có người đã sa thải, có người xin nghỉ ốm hoặc chuyển công tác.

Theo ông, một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm là khoán trắng cho các VP đại diện, PV. Vì vậy, nên có quy định để các báo tự chủ tài chính, phải giao cho VP đại diện thì vi phạm không, vi phạm khoản nào, điều nào… Để mọi người có cơ sở pháp lý khi làm, lúc xử lý cũng có cơ sở.

Ông Sưởng cũng kiến nghị Bộ TT&TT nên có hướng dẫn về việc sử dụng giấy giới thiệu để đảm bảo yêu cầu tác nghiệp của báo chí hiện đại, vừa đảm bảo vai trò quản lý.

GĐ Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho hay, tại địa phương này hiện có 110 văn phòng đại diện, thời gian qua một số cơ quan hoạt động thiếu tiêu chuẩn như không có trưởng văn phòng đại diện, cử PV thường trú nhưng thiếu điều kiện thẻ nhà báo…

 

{keywords}
GĐ Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh. Ảnh: Xuân Lộc

 

Ông Thanh  phản ánh việc vắng bóng trách nhiệm của cơ quan chủ quản khi có thông tin đăng tải thiếu chính xác, hầu như là thông qua kênh liên lạc với VP đại diện, tuy nhiên việc trao đổi với VP đại diện cũng hết sức khó khăn.

Đại diện Đà Nẵng kiến nghị đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT hơn như cấp giấy giới thiệu điện tử để việc đi công tác của phóng viên được thuận lợi, đảm bảo tức thời và đúng pháp lý.

Bà Hà Kim Chi – Phó trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam nêu thực tế về việc cấp giấy giới thiệu, giấy chứng nhận tràn lan, nhiều trường hợp không đúng quy định, nhiều tổ chức Hội tranh thủ, lợi dụng thẻ hội viên.

“Các cơ quan báo chí rất lớn chỉ có vài chục hội viên nhưng các tạp chí đề nghị kết nạp tới 60 – 70 hội viên. Có nơi thư ký chi hội lại là người ở nơi khác. Việc kiểm tra mới trên hồ sơ, tới đây sẽ kiểm tra thực tế đến tận nơi”, bà Chi nói.

Theo bà, khi nhà báo có vi phạm, nếu cứ xử lý kỷ luật, sa thải nhà báo đó thì không ổn, mà phải xét trách nhiệm người đứng đầu, của lãnh đạo cơ quan báo chí.

“Có tình trạng khi gọi điện đến lãnh đạo các tỉnh TP, nếu gọi bằng máy bàn thì không nghe, gọi bằng di động thì nghe và trả lời. Họ sợ nghe máy bàn nhất là ở Hà Nội dịp Tết vì sợ gọi xin quảng cáo. Phải làm sao để người ta không còn sợ nhà báo, nghĩ đến nhà báo là nghĩ đến chuyện xin tiền, mất thời gian”, bà Chi phản ánh thực trạng.

Phải chấn chỉnh các vi phạm

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần quan tâm và chấn chỉnh lại hoạt động của các VP đại diện cũng như PV thường trú.

“Hoạt động của VP đại diện và PV thường trú được pháp luật cho phép, không có ai hạn chế, đây là cánh tay nối dài, bộ mặt của tờ báo, thu thập thông tin để thông tin đa dạng, quảng bá tờ báo. Nhưng các cơ quan chủ quản, báo chí không quan tâm đúng mức thì sẽ phản tác dụng”, Thứ trưởng nói.

 

{keywords}
Thứ trưởng TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Xuân Lộc

 

Ông đề nghị các cơ quan chủ quản cần xem lại năng lực quản lý, nhu cầu thực tế, tôn chỉ mục đích của mình, năng lực tài chính.

Theo Thứ trưởng, xoay quanh tất cả mọi việc thì cuối cùng vẫn là con người. Nếu nhân sự tốt thì họ làm bình thường, báo sẽ có uy tín. Nhưng chuyện tuyển dụng, sử dụng, quy trình quản lý khi xảy ra xử lý chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến tình trạng từ VP đại diện báo này thấy làm ăn được là lây lan sang nơi khác.

Về việc cấp giấy giới thiệu, Thứ trưởng yêu cầu cần quy định trong giấy ghi thế nào để quản lý được là việc nội bộ, hoàn toàn có thể làm được.

Thứ trưởng yêu cầu các Sở TT&TT  tham mưu UB có cơ chế cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp.

“Phải bằng cách nào đó góp ý cho lãnh đạo tỉnh có thay đổi nhận thức để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động tốt, là cánh tay nối dài hoạt động của cơ quan báo chí tại địa phương. Đừng đùn đẩy đây là trách nhiệm của Bộ. Vai trò của các Sở rất quan trọng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Các cơ quan chức năng Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT chủ động phối hợp với thanh tra, Vụ báo chí – xuất bản nghiên cứu, rà soát lại, xem cần bổ sung gì để quản lý hoạt động VP đại diện, PV thường trú.

Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chủ quản những gì vi phạm thì căn cứ quy định pháp luật rà soát lại, những dấu hiệu có thể dẫn đến sai phạm thì phải tự chấn chỉnh lại, tránh đợi cơ quan quản lý chỉ ra rồi mới làm.

Trong nửa đầu năm 2017, Bộ TT&TT một mặt lập đoàn liên ngành để kiểm tra văn phòng đại diện của một số cơ quan báo chí tại các tỉnh miền Trung; mặt khác, Bộ có văn bản đề nghị các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí tự rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú; đề nghị Sở TT&TT các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, hướng dẫn Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn thực hiện đúng các thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Vào những tháng cuối năm 2017, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ thực hiện việc kiểm tra toàn bộ hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí. 

Cụ thể, Bộ trưởng giao Cục Báo chí chủ trì lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại một số tỉnh miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam; giao Thanh tra Bộ kiểm tra tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Việc kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và sau kiểm tra, các đơn vị có các đề xuất cụ thể. Những hoạt động nào của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trái với tôn chỉ, mục đích sẽ được loại bỏ; nếu có biểu hiện tiêu cực, Bộ phối hợp với cơ quan chủ quản xem xét, chấn chỉnh và xử lý nghiêm tùy theo mức độ sai phạm.

 Hương Quỳnh