Cùng với lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, là tên tuổi của các danh nhân đất Việt như Lê Hữu Trác (hiệu là Hải Thượng Lãn Ông), Nguyễn Trãi (hiệu là Ức trai), Chu Văn An..., đã trở thành biểu tượng cụ thể của đạo lý truyền thống của dân tộc, của cái tâm- cái tài...
Từ tôn vinh danh hiệu
Dù các triều đại phong kiến đã bị diệt vong, nhưng dựa trên những chuẩn mực về đạo đức, truyền thống, tên tuổi, đức độ, tài năng, công lao của những nhân vật lịch sử đó đối với đất nước, vẫn được hậu thế tiếp tục thừa nhận, tôn vinh. Họ tự nhiên đi vào đời sống tâm linh của dân tộc, được nhân dân kính trọng, lập đền thờ, như thần như thánh.
Cùng với tên tuổi các danh nhân, lịch sử cũng "lưu danh" những kẻ phản dân, hại nước như Trần Ích Tắc, Trần Kiệm, Lê Chiêu Thống... Hay những thể chế tham nhũng, tàn bạo dưới sự cai trị của những nhà vua u tối như Lê Duy Mục... để nhắc nhở, răn dạy cho hậu thế.
Danh hiệu là một khái niệm chỉ sự tôn vinh của công chúng, hoặc của một tổ chức, đảng phái chính trị đối với cá nhân hoặc một tổ chức, nhằm ghi nhận công lao, thành tích đóng góp của họ với quốc gia, dân tộc, hoặc cho chính tổ chức đảng phái chính trị đó.
Tâm lý muốn được nổi tiếng để 'lưu danh' là mong muốn bình thường, một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của của con người. Chính vì vậy mà trong bất kỳ xã hội nào, từ chế độ quân chủ, độc tài chuyên chế, đến chế độ dân chủ, đều có việc tôn vinh danh hiệu, nhằm động viên, khuyến khích, mọi thành viên trong xã hội, tích cực làm việc, cống hiến, phụng sự cho chế độ đó.
Việc tôn vinh này, thường theo những tiêu chí nhất định, tùy thuộc vào mỗi quốc gia, dân tộc. Nhưng về ý nghĩa, nó không chỉ là 'giá trị riêng' của cá nhân được vinh danh, mà còn là những 'giá trị riêng'(đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ...) của xã hội đó.
Một một số chế độ độc tài, phát xít, khi bị lật đổ, những 'danh hiệu' mang những 'giá trị riêng' của các chế độ này, đã bị nhân dân của chính đất nước đó, cũng như toàn thể xã hội loài người lên án và khinh bỉ.
Cũng có những danh hiệu, hoặc giải thưởng được toàn thể thế giới tôn vinh. Danh hiệu này được trao cho những người có những đóng góp tích cực, phát triển khoa học kỹ thuật, vì nền dân chủ tiến bộ của mỗi dân tộc và cả nhân loại.
...Đến 'loạn danh hiệu'
Ở nước ta, trong các phong trào 'thi đua yêu nước', có những 'danh hiệu' ra đời, được trao tặng, đã kịp thời động viên được đông đảo quần chúng nhân dân lao động, tham gia, ủng hộ cách mạng. Đó chính là mặt tích cực của việc xây dựng và tôn vinh danh hiệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua". Nhưng mấy năm gần đây, việc tôn vinh danh hiệu đã có nhiều dấu hiệu 'thái quá', do có những tổ chức và cá nhân- những người chịu trách nhiệm, đã thiếu nghiêm túc trong thực hiện nhiệm vụ.
Nếu không kể đến những danh hiệu rất "mới lạ" tại các 'sự kiện văn hóa' cũng rất mới lạ: Như bà mẹ của năm, mỹ nhân của năm, nghệ sỹ của năm, nhạc sỹ của năm, ca sỹ của năm, người dẫn chương trình của năm... Đặc biệt hơn, có danh hiệu của người Việt Nam mà "hình như" ngôn ngữ tiếng Việt không thể diễn đạt được, mà phải sử dụng đến cả tiếng nước ngoài. Công chúng khi nghe thấy không hiểu ý nghĩa, cũng như mục tiêu hướng tới của sự tôn vinh là gì?
Trong lĩnh vực như y tế, giáo dục cũng vậy. Trái ngược với số lượng khá lớn những người được phong tặng danh hiệu 'Thầy thuốc Ưu tú', 'Thầy thuốc Nhân dân', 'Nhà giáo Ưu tú', 'Nhà giáo Nhân dân' liên tục trong nhiều năm là vấn đề chất lượng giáo dục giảm sút mà chưa hề có dấu hiệu chấn hưng.
Ảnh minh họa: Khều |
Việc dạy thêm không chính đáng của các giáo viên tràn lan, bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, thậm chí có trường hợp còn sát hại bạn học. Tệ nạn 'phong bì' và các loại 'cò' tại các bệnh viện công lập, hiện tượng 'gửi giá' trong đấu thầu thuốc chữa bệnh, đẩy giá thuốc dùng trong các bệnh viện công lập lên cao, góp phần gây bội chi quỹ Bảo hiểm Y tế ..., tới nay đã trở thành những vấn nạn, gây nhức nhối trong đời sống xã hội.
Danh hiệu người 'thầy' vốn là do người dân suy tôn, nhưng việc mở rộng thái quá các tiêu chí, đã dẫn tới hệ lụy, 'thầy thuốc ưu tú' nhưng không biết khám chữa bệnh, 'nhà giáo ưu tú' nhưng không đứng trên bục giảng. Việc tổ chức tôn vinh danh hiệu, là nhằm khẳng định với công chúng những 'giá trị'. Nhưng nếu cứ tổ chức tôn vinh như vậy, thì nói theo 'ngôn ngữ bình dân' là không thể "tiêu hóa" nổi.
Hay như trước đây, vụ Công ty Vedan đổ thẳng chất thải chưa qua xử lý vào sông Thị Vải, làm cả một khúc sông này bị nhiễm độc, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe, và đời sống của hàng vạn người dân. Nhưng Vedan vẫn được trao giải thưởng... bảo vệ môi trường. Đó là một sự ô danh chứ không thể coi là vinh danh. Nhìn từ góc độ đạo đức, hay việc tổ chức thực hiện (xây dựng tiêu chí, bình chọn... ) là điều khó có thể chấp nhận được.
Mặt tích cực của việc tôn vinh danh hiệu là khuyến khích con người luôn cố gắng cống hiến cho đất nước. Nhưng nếu thái quá, thì từ tác dụng tích cực, có thể chuyển thành tiêu cực. Cụ Nguyễn Du cũng từng than: 'Mượn màu son phấn, đánh lừa con đen'. |
Cứ đến cuối năm, hoặc đến các kỳ xét phong danh hiệu, thì ngành ngành, nhà nhà lại " nô nức" vinh danh cho các cá nhân, tập thể bằng các danh hiệu, giải thưởng 'tiên tiến', 'xuất sắc', 'ưu tú', 'trong sạch, vững mạnh'...
Ngay trong cuộc vận động; học tập, và làm theo, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trái ngược với nội dung tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu của cuộc vận động này, có một ủy viên Ban Thường vụ một cấp ủy Đảng (Bắc Giang) đã nói rằng danh hiệu 'cá nhân điển hình tiên tiến' của cuộc vận động này chỉ là 'chuyện bằng khen bằng khiếc'(!?).
Chính những người được giao trách nhiệm, tổ chức, thực hiện, còn thiếu tôn trọng các 'giá trị' của cuộc vận động này, thì làm sao có thể mang lại giá trị giáo dục xã hội được?
Gần đây, đã có những nhà văn, những nghệ sĩ từ chối sự tôn vinh, cũng như những giải thưởng. Phó GS.TS Lê Quý Đức, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng:
"Những bức xúc xung quanh cách thức bỏ phiếu, nhận xét..., của các thành viên hội đồng chấm giải khiến cho giải thưởng trở nên tầm thường. Người ta đặt câu hỏi về tính chất là người trao giải có đủ uy tín không? Có đủ uy tín về chuyên môn để thẩm định tác phẩm của các tác giả? Tiêu chí đánh giá tác phẩm có phù hợp với thực tế không? Nó có phù hợp với trình độ thưởng thức nghệ thuật của xã hội không? Uy tín của giải có làm nên tên tuổi tác giả không?"
Mặt tích cực của việc trao tặng danh hiệu là khuyến khích con người luôn cố gắng cống hiến cho đất nước. Nhưng nếu thái quá, thì từ tác dụng tích cực, có thể chuyển thành tiêu cực. Cụ Nguyễn Du cũng từng than: 'Mượn màu son phấn, đánh lừa con đen'.
Chính sự thật đó đã gây ra những phản cảm, nhàm chán, làm giảm đi giá trị đích thực của các 'danh hiệu', làm mất đi ý nghĩa tích cực của tôn vinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội...
'Thói giả dối' và lòng tự trọng
Có nhiều cách diễn đạt khác nhau về thói giả dối. Từ dư luận trên các phương tiện truyền thông như: 'Loạn danh hiệu'; 'bệnh thành tích'; 'bệnh háo danh', đến các văn kiện của Đảng là 'suy thoái đạo đức'.
Trong bài "Lực cản sự phát triển của người Việt" đăng trên TuanVietNam ngày 21/02/, Gs Hoàng Tụy có nhận xét, đánh giá về thói giả dối và thiếu cầu thị của người Việt Nam như sau:
Có một đặc tính tiêu cực rất nghiêm trọng, đó là thói giả dối. Từ chỗ vốn không thuộc truyền thống của người Việt, trong mấy chục năm nay, cái thói xấu này đã dần dần trở thành phổ biến đến mức có thể nói đang trở thành một tính chất tiêu biểu.
Và nếu cứ để bệnh giả dối ngày càng xâm nhập sâu vào mọi ngóc ngách cuộc sống, kể cả các hoạt động khoa học và giáo dục, thì thật đáng lo cho tiền đồ đất nước.
Mới đây, một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, và Nhà nước, đã phải công khai nhận định về tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong hệ thống các cấp chính quyền.
Cần nhìn nhận 'thói giả dối' cùng với những biểu hiện là 'bệnh thành tích', 'bệnh háo danh', cũng là một 'lỗi hệ thống', là dạng tham nhũng tinh thần, làm cho bảng giá trị vốn là một chân lý đơn giản, và hiển nhiên, đang bị lật ngược, làm sói mòn các thang bậc.
Cần phải đấu tranh loại bỏ 'thói giả dối' trong mọi mặt đời sống chính trị, văn hóa, xã hội. Đây không còn chỉ là nhiệm vụ riêng, của các tổ chức Đảng, mà còn là trách nhiệm, danh dự, và 'lòng tự trọng' của mỗi công dân, nhất là các nhân sĩ trí thức hiện nay.
Cách đây gần hai thế kỷ, trước họa ngoại xâm, và tình hình triều chính rối ren, Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu) một danh sĩ Bắc Hà đã cho xây Tháp Bút bên cạnh Hồ Gươm, trên thân tháp thẳng đứng có ba chữ: Tả -Thiên -Thanh. Ý nghĩa của ba chữ trên, còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đã nói lên khí phách độc lập, tự chủ của 'sĩ phu Bắc Hà' thời ấy.
Ngày nay, Tháp bút vẫn sừng sững, uy nghi, in bóng xuống mặt nước Hồ Gươm cùng với ba chữ: Tả-Thiên-Thanh, như muốn nói với mỗi chúng ta: Viết gì lên trời xanh, nói gì với trời xanh, để không hổ thẹn khi soi mình xuống Hồ Gươm. Đó chính là khí tiết thanh cao, tinh thần độc lập, tự chủ, của nhân sĩ trí thức, là 'lòng tự trọng' của mỗi con dân Đất Việt, gộp lại sẽ tạo nên "sức mạnh mềm" của dân tộc.
Hay đó cũng chính là thông điệp của bậc tiền nhân gửi cho hậu thế hôm nay?
Nguyễn Văn Soạn