Người lính là nguồn cảm hứng bất tận để văn nghệ sĩ sáng tạo
Tại Hội thảo Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam - 80 năm đồng hành sáng tạo do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức, các đại biểu khẳng định: Trong hàng ngàn tác phẩm có giá trị suốt 80 năm qua, một mảng rất quan trọng chiếm vị trí nổi bật, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật to lớn chính là đề tài lực lượng vũ trang nhân dân và Bộ đội Cụ Hồ.
“Đây chính là đề tài rộng lớn, nguồn cảm hứng bất tận để các thế hệ văn nghệ sĩ sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật gắn liền với truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần làm giàu thêm dòng chủ lưu của văn nghệ cách mạng Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm vào nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhận định.
Làm thế nào để trong bối cảnh quốc gia và quốc tế hiện nay, đề tài về lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với giới trẻ là điều mà những người sáng tạo nghệ thuật trăn trở.
Khán giả tạo ra hệ sinh thái nghệ thuật "khoẻ mạnh"
Nhìn từ những bộ phim về đề tài người lính cả thời chiến lẫn thời bình được chọn chiếu lại trong các đợt phim chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn, PGS.TS - hoạ sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam bày tỏ bất ngờ vì “những bộ phim khắc hoạ phẩm chất, sự hy sinh và tinh thần cống hiến của người lính Bộ đội Cụ Hồ luôn mang lại cảm xúc sâu lắng”.
Ông Tú nói, nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh và người lính đã từng sản xuất và phát hành, phổ biến hàng chục năm trước đây, khi được chiếu lại như: Hoa ban đỏ (1994), Biệt động Sài Gòn (1986), Hà Nội 12 ngày đêm (2002), Ký ức Điện Biên (2004), Đường thư, Giải phóng Sài Gòn, Dòng sông phẳng lặng (2005), Đừng đốt (2009), Mùi cỏ cháy (2012), Những người viết huyền thoại (2013), Sống cùng lịch sử (2014)... vẫn thu hút người xem, đặc biệt là khán giả trẻ. Họ đứng chen nhau hàng giờ chật đường Lý Nam Đế và hết ghế ngồi, nhiều người phải đứng hoặc ngồi bệt trên sàn khán phòng.
Vừa qua, bộ phim truyện về đề tài chiến tranh Đào, Phở và Piano bất ngờ tạo nên cơn sốt phòng vé, nhờ sức mạnh lan tỏa của truyền thông trên không gian mạng, là một sự kiện thú vị, rất đáng mừng.
Ban đầu là đoạn giới thiệu ngắn trên TikTok, sau đó là sự hưởng ứng quan tâm của giới trẻ, sự “truyền miệng” đã kích thích tò mò, lôi kéo thêm khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau đến với Trung tâm chiếu phim Quốc gia (đơn vị được chọn chiếu thí điểm) xem bộ phim. Hiệu ứng này khiến website bán vé điện tử bị “sập” và hiện tượng “cháy vé” hiếm hoi ngay cả khi phim không hề có chi phí quảng cáo.
“Theo quy luật của thị trường, doanh thu phát hành Đào, Phở và Piano sau khi trừ tiền thuê rạp, tiền thuế, thù lao phục vụ, điện, nước… phải được 50 tỷ đồng mới gọi là có lãi thật sự. Phim này đầu tư 20 tỷ đồng, thu về 23 tỷ mà đã mừng và tới giờ chưa biết chia số tiền 3 tỷ như thế nào”, ông Tú nêu vấn đề.
Từ thực tế này, ông Tú đặt câu hỏi: Tại sao những bộ phim có nội dung tốt được Nhà nước đầu tư kinh phí, nhưng khi làm xong rồi cất vào kho, lãng phí vô cùng lớn (với cả phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình)?
Để lý giải vấn đề này, ông Tú cho rằng, phải tìm hiểu căn nguyên để nhận diện về điểm nghẽn trong “đầu tư công” và xã hội hóa huy động vốn tư nhân trong phát triển điện ảnh.
Theo ông Tú, những nội dung đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng kén khán giả. Tuy nhiên, hàng năm, Nhà nước vẫn đầu tư trên dưới 60 tỷ đồng để sản xuất các bộ phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình... theo đơn đặt hàng. Đây là mức đầu tư quá khiêm tốn cho toàn ngành điện ảnh.
"Ngoài nỗ lực của các nhà làm phim, công ty sản xuất và phát hành phim, các cuộc thi nhằm nâng đỡ tài năng trẻ... thì sự ủng hộ của khán giả dành cho những bộ phim xứng đáng mới là thành tố chính làm nên một nền điện ảnh phát triển bền vững", ông Tú khẳng định.