Từ đầu năm đến nay, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, phối hợp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài… cho hơn 1.800 lao động, mở 8 lớp dạy nghề cho 295 lao động nông thôn với các nghề như trồng và chăm sóc cây sầu riêng, nấu ăn, nuôi lươn.
Đây là hoạt động mang lại nhiều hiệu quả cho công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Để làm được điều này, ngay từ đầu năm, các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát nhu cầu của hộ gia đình về sinh kế, vốn, học nghề, tạo việc làm… nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp, xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, công tác giảm nghèo đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể. Cùng với đó là tăng cường huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo, tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình tạo sinh kế cho người nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn khi có nhu cầu vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình…
Từ kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong năm 2024, huyện Cai Lậy đã thực hiện 15 Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Năm 2024, huyện Cai Lậy có 104 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm còn 0,71%, hộ cận nghèo 1,77%, thu nhập bình quân toàn huyện đạt 69,8 triệu đồng/người/năm.