“Đào tạo” khán giả cho chính mình

Từ bao đời nay, tuồng luôn giữ một vai trò quan trọng trong bức tranh nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Tuy vậy, với sự thay đổi của thời đại và những làn sóng văn hóa nghệ thuật mới, sự quan tâm của khán giả nhất là giới trẻ với nghệ thuật tuồng ngày một phai mờ. 

Không chỉ là “khoảng cách thời đại”, ông Tạ Văn Sốp - Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam còn chỉ ra nguyên nhân khác khiến công chúng “lạnh nhạt” với nghệ thuật truyền thống này.

Theo ông Sốp, tuồng là nghệ thuật sân khấu mang tính bác học và ước lệ rất cao. Từng hành động, diễn xuất của diễn viên đều trở thành quy ước, quy tắc. Ông lấy ví dụ, chỉ với 4 - 5 người cầm trên tay roi mây, tạo động tác cưỡi ngựa chạy trên sân khấu, một phân cảnh về đoàn quân Mông Nguyên hung bạo đã được tái hiện. Đồng thời, đa số câu chuyện trong tuồng là những câu chuyện “kinh bang tế thế”, có nguồn gốc từ tích cổ… Những điều này không phải ai cũng biết và có thể hiểu được.

“Các bạn trẻ không biết câu chuyện là gì, nhân vật là ai, diễn viên đang diễn gì... thì không hiểu được tuồng. Không hiểu thì không thể biết được cái hay của tuồng và không thể yêu tuồng”, ông Sốp tâm sự. 

IMG_20240527_112327 (1).jpg
Các nghệ sĩ luôn trăn trở làm mới nghệ thuật tuồng. Ảnh: NVCC

Chính vì lẽ đó, nghệ thuật tuồng phải tự thay đổi chính mình nhằm đáp ứng được yêu cầu của đời sống và thị hiếu khán giả hiện đại. Đồng thời, những người làm nghệ thuật cần có cách thức đưa tuồng đến gần hơn với công chúng, cho người xem thấy vẻ đẹp tiềm ẩn của nghệ thuật truyền thống. Trên thực tế, những giá trị, vấn đề được phản ánh trong tuồng vốn rất gần gũi, không hề xưa cũ. “Ở thời nào con người ta cũng phải yêu nước và bảo vệ đất nước, phải chung sống với nhau có đạo lý, nghĩa tình và tuân thủ các tiêu chuẩn chung. Những vấn đề như chung thủy trong tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, anh em. gia đình, tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân… vẫn luôn tồn tại và phát triển” - ông Sốp nói. 

“Đổi mới nhưng vẫn giữ được “hồn cốt” của nghệ thuật truyền thống là nhiệm vụ và trách nhiệm của chúng tôi. Mỗi câu chuyện của cuộc sống hôm nay cần đưa vào tuồng nhưng phải được thể hiện bằng những nét đặc trưng trong phong cách biểu diễn của nghệ thuật này. Đây là nhiệm vụ nan giải, rất khó và chúng tôi đang nỗ lực làm” - Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam bày tỏ.

Trong lộ trình phát triển đưa nghệ thuật tuồng tới gần hơn với công chúng, Nhà hát đang triển khai những buổi diễn tại các trường phổ thông, trường đại học, cao đẳng. Những chương trình giao lưu đó tuy ngắn nhưng phần nào giúp các bạn hiểu hơn về tuồng, gợi lên sự tò mò và niềm yêu thích loại hình nghệ thuật của dân tộc. 

“Chúng tôi đang tự “đào tạo” khán giả cho chính mình” - ông Tạ Văn Sốp nói bằng tất cả tâm huyết của một người nghệ sĩ. 

IMG_20240527_112319 (1).jpg
Nhà hát Tuồng Việt Nam tích cực đưa các vở diễn đến với khán giả trẻ. Ảnh: NVCC

Cùng chung quan điểm với ông Tạ Văn Sốp, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - lấy dẫn chứng câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tuồng rất hay nhưng phải cải tiến”. 

“Tuồng lấy chất liệu từ những tích cổ, từ Hán học. Nếu cứ giữ nguyên như thế thì ai xem?” - NSND Lê Tiến Thọ khẳng định. Ông cho rằng, muốn phát triển nghệ thuật tuồng, trước tiên ngôn ngữ phải tiếp cận tiếng Việt cả về thơ và thoại. Cùng với đó, nội dung của vở diễn phải gắn với những vấn đề mà công chúng hôm nay quan tâm. 

NSND Lê Tiến Thọ phân tích: “Khán giả sẽ không bỏ ra 2 tiếng đồng hồ để xem cái mà họ không cần, không hiểu. Sân khấu tuồng phải cách tân, phát triển như lời Bác Hồ dạy. Cách điệu nhưng phải biết tiết chế, phù hợp với hoàn cảnh - được gọi là “tiết tấu của thời đại”. Người nghệ sĩ phải học những vốn truyền thống thật kỹ để sáng tác, sáng tạo, làm mới mà không mất đi giá trị của nghệ thuật lâu đời. Đó cũng là điều mà Nhà hát cố gắng làm nhằm kế thừa, phát huy những giá trị của tuồng”. 

"Giữ chân" diễn viên trẻ bằng cách nào?

Việc đào tạo lớp trẻ cũng được Nhà hát Tuồng Việt Nam quan tâm hàng đầu bởi đội ngũ nghệ sĩ của Nhà hát đa phần lớn tuổi, sắp rời khỏi sân khấu. Trong khi đó, công cuộc đổi mới, phát triển nghệ thuật tuồng đòi hỏi thế hệ kế cận.

Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng diễn viên trẻ còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Tạ Văn Sốp kể lại, trong giai đoạn 2010 - 2015, Nhà hát đặt hàng chỉ tiêu đào tạo với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, về từng địa phương tuyển chọn những em có năng khiếu, triển vọng. Các bạn trẻ trúng tuyển tham gia sinh hoạt, tập luyện ngay tại Nhà hát Tuồng Việt Nam và được tạo điều kiện tuyển thẳng vào biên chế sau khi tốt nghiệp. Đây là lớp diễn viên được đào tạo bài bản và đồng bộ, đạt kết quả tốt trong những năm gần đây của nhà hát. 

Tuy vậy, làm cách nào giữ chân các nghệ sĩ trẻ là nỗi trăn trở của những người trong cuộc. “Có nhân lực tốt mà muốn duy trì thì phải có đãi ngộ tốt, song mức lương hiện nay của diễn viên trẻ rất thấp", ông Sốp cho biết.

“Vài người đã bỏ cuộc, một số bạn khác phải làm nhiều nghề tay trái. Chúng tôi luôn động viên và tạo điều kiện để các diễn viên trẻ vừa theo đuổi đam mê, cống hiến cho nghệ thuật tuồng, vừa san bớt gánh lo cơm áo gạo tiền” - ông Sốp ngậm ngùi nói.

Dẫu còn nhiều khó khăn, chưa thể sống được bằng lương nhưng các diễn viên vẫn luôn giữ niềm đam mê, cố gắng “bám” nghề. Chị Nguyễn Thị Huyền Phúc - diễn viên trẻ tại Nhà hát Tuồng Việt Nam - kể lại những khó khăn thủa ban đầu: “Bước lên sân khấu làm người nghệ sĩ, ngoài hóa trang, phục trang, còn kết hợp với hát, múa, diễn. Khi tiếp cận một vai tuồng, trong quá trình tập luyện, tôi phải bỏ thời gian, công sức rất nhiều, thậm chí là đổ máu trên sân khấu để có được sự thành thục như ngày hôm nay”. Vất vả là thế nhưng đồng lương hàng tháng ít ỏi cũng khiến người nghệ sĩ trẻ buồn lòng…

“Với mức sống hiện giờ, lương của tôi không đủ chi cho sinh hoạt thường ngày, cuộc sống khá khó khăn. Tôi cũng nghe thông tin tiền lương sẽ tăng thêm từ tháng 7 tới. Tôi hy vọng cuộc sống được cải thiện để yên tâm cống hiến cho sân khấu”, chị Phúc tâm sự. 

Theo Huyền Phúc, sự ủng hộ của gia đình và tình yêu của khán giả chính là nguồn động lực lớn nhất giúp chị và các diễn viên trẻ của nhà hát quyết tâm gắn bó với nghệ thuật tuồng và gìn giữ lòng nhiệt huyết với nghề.  

“Tuồng là một phần cuộc sống của mình. Bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng là trách nhiệm và bổn phận của mỗi nghệ sĩ, đặc biệt là các diễn viên trẻ” - chị Huyền Phúc tự nhắc nhở bản thân.

Anh Đức - Minh Tuấn - Huy Bảo

Cuộc 'gặp gỡ' giữa Tuồng và Múa đương đại

Nghệ sĩ múa đương đại Nguyễn Duy Thành sẽ biểu diễn trên nền trống Tuồng của NSƯT Nguyễn Văn Quý và âm nhạc điện tử của nghệ sĩ Lương Huệ Trinh trong dự án múa đương đại "Thán 2021".