Theo ông Đồng Văn Ngọc, môi trường đào tạo rất quan trọng, hình thành ý thức và trang bị cho người học. Khi bắt đầu vào học, chúng ta phải hiểu, người học chưa biết gì về nghề nghiệp, chưa biết gì về thái độ, văn hóa của DN thì môi trường đào tạo của nhà trường là rất quan trọng bởi chúng ta sẽ cho người học hình thành ý thức và hiểu thế nào là văn hóa của DN.

Ở trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, kĩ năng mềm là chương trình đào tạo bắt buộc, được đào tạo độc lập và đan xen vào các chương trình chuyên môn. Mỗi một chương trình đào tạo chuyên môn nghề nghiệp vẫn có 1 nội  hàm và có phần để đào tạo kĩ năng mềm.

{keywords}
“Đào tạo kỹ năng phải đi kèm với đào tạo năng lực thực hiện”

“Nói về 5S (phương pháp làm việc với 5 tiêu chí: sàng lọc, sắp xếp, săn sóc, sạch sẽ, sẵn sàng), chúng tôi cũng đưa vào chương trình đào tạo bắt buộc và chữ S cuối cùng là Sự Sẵn Sàng, chúng tôi đưa vào phần đầu tiên, chính là giảng viên phải sẵn sàng trước, sẵn sàng thực hành 5S. Quan trọng nhất là thực hành nó hàng ngày. Ví dụ, 1 buổi lên lớp của nhà giáo bắt đầu thế nào, trong giờ giảng thế nào, kết thúc giờ giảng thế nào để sẵn sàng cho buổi hôm sau. Tất cả đều thầy thực hiện trước, trò thực hiện theo, tạo ra 1 thói quen và thực hành xuyên suốt cả quá trình học tập thì họ sẽ tạo ra nếp và khi đến DN thì họ đã có nếp từ việc thực hành quen cái 5S rồi.

Tuy nhiên, hạn chế vẫn còn nhiều. Đào tạo thì nhà trường chú trọng nhưng sinh viên, do lứa tuổi và nhận thức còn hạn chế nên việc duy trì thực hiện theo đúng nề nếp đấy vẫn chưa đạt được mục tiêu mà trường mong muốn cao nhất. Vẫn còn không ít sinh viên bỏ qua các công đoạn, nghĩ rằng làm 1 việc thì miễn là có sản phẩm nhưng đối với 5S thì khác.

Để sản phẩm đó được đều, được quản trị chặt chẽ, tạo ra 1 ý thức hệ trong người lao động thì phải thực hiện liên tục và không được phép bỏ qua chữ S nào để sản phẩm và công việc được chất lượng. 5S vào nhà trường phải thực hiện liên tục trong suốt toàn khóa học, phải thể hiện ngay từ khi bắt đầu đào tạo lúc nhập học, là phải có kế hoạch đào tạo 5S độc lập và đan xen vào các buổi học.

Theo ông Đồng Văn Ngọc, một trong những khâu đột phá mà Chính phủ đề ra để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ là phải có giải pháp đào tạo nhân lực. Chúng ta phải đi tắt đón đầu trong đào tạo nhân lực. Ở đây, chúng ta phải cập nhật ngay công nghệ đào tạo, cách thức đào tạo, chương trình đào tạo của những nước phát triển. Chúng ta không thể mày mò đi từ số 0, 1, 2, 3 đến con số cụ thể nào đó. Mà giờ phút này, ta phải đi tắt đón đầu được. Ví dụ, hiện ngành giáo dục nghề nghiệp của chúng ta đã quy hoạch, trong đó có đầu tư 45 trường trong cả nước, là các đầu tư để trở thành các trung tâm đào tạo chất lượng cao ở VN. Đấy là quy hoạch tôi cho là bài bản và căn cơ.

Tuy nhiên, giờ phút này, công nghệ trên thế giới phát triển rất mạnh ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ này, ví dụ như những DN liên quan về cơ khí, tự động hóa, họ đưa công nghệ 4.0 vào nhiều lĩnh vực như robot hóa, trí tuệ nhân tạo, Big Data, rồi kết nối…

“Nếu các nhà trường, các trung tâm đào tạo như chúng tôi không nhanh chóng thích ứng hay đầu tư thì chắc chắn chúng ta sẽ mất đi cơ hội để đào tạo, đáp ứng nhân lực và cũng không thể thực hiện được chiến lược, cũng như một trong những khâu đột phá là đào tạo nhân lực. Tôi cho rằng, đột phá ở đây là tập trung cho trường chất lượng cao, tiếp nhận ngay các công nghệ đào tạo từ các nước phát triển. Đặc biệt, những nước phát triển đang có đầu tư ở VN”, ông Ngọc chia sẻ.

Hai nữa, cần phải đẩy mạnh đề án học ngoại ngữ cho cán bộ, kỹ sự ngành công nghiệp hỗ trợ. Đề án này rất quan trọng vì VN đang thu hút nhiều quốc gia, trong đó ngôn ngữ tiếng Anh là ngôn ngữ rất quan trọng. Vì vậy, các cơ sở đào tạo bên cạnh kiến thức, kĩ năng, kĩ năng mềm thì năng lực tiếng Anh là hết sức quan trọng.

Giờ phút này, ta cứ quan trọng bằng cấp mà bằng cấp không nói lên năng lực, năng lực mới quan trọng. Và đào tạo kiến thức, kĩ năng giờ phút này phải có đào tạo thêm nữa, là đào tạo năng lực thực hiện…

Băng Dương (ghi)