Để cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, thời gian qua, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội.
Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện đạt 39,7%, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Năm 2016, chị Cao Thị Nguyệt ở thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa biết thông tin Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tuyển sinh học nghề chế biến món ăn và có chế độ hỗ trợ nên đã đăng ký theo học.
Khi học xong, chị mở một quán ăn nhỏ phục vụ bà con trên địa bàn, sau phát triển dần và đến năm 2018, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư mở thêm dịch vụ nhà hàng tiệc cưới. Dịch vụ tiệc cưới của gia đình chị duy trì khá tốt, không chỉ phục vụ trên địa bàn huyện mà còn mở rộng sang các huyện lân cận, thường xuyên giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương.
Theo chị Nguyệt, trước đây hai vợ chồng chị chỉ làm nông nghiệp, vừa đủ chi phí hàng ngày. Sau khi được học thêm nghề chế biến món ăn, mở quán ăn và dịch vụ nhà hàng tiệc cưới, đến nay điều kiện kinh tế của gia đình đã khá hơn trước.
Còn ông Đinh Đài, ở thôn Văn Hóa, xã Hồng Hóa là hộ cận nghèo của xã. Trong năm 2024, gia đình ông có tên trong danh sách được hỗ trợ 8 đàn ong theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã.
Ông Đài cho hay, dù chuẩn bị được hỗ trợ giống ong nuôi lấy mật để phát triển kinh tế nhưng ông vừa mừng, vừa lo, vì kiến thức và kinh nghiệm nuôi ong chưa có. Vừa qua, được tham gia lớp học nghề nuôi ong do xã tổ chức, ông đã thấy tự tin hơn và hy vọng sẽ áp dụng được kiến thức, từng bước nhân rộng đàn, phát triển kinh tế gia đình.
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa đã mở được 35 lớp dạy nghề nông thôn cho trên 1.200 lao động, trong đó đào tạo nghề phi nông nghiệp cho trên 300 lao động, nông nghiệp trên 800 lao động, có 180 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tìm được việc làm sau học nghề đạt 70%. Ngoài ra, nhiều học viên đã mạnh dạn tìm nghề mới, duy trì và phát triển nghề truyền thống tại địa phương.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện còn quan tâm hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi và hỗ trợ định hướng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Bà Cao Thị Mỹ Nhạn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa thông tin, hàng năm, trung tâm luôn chủ động phối hợp với các phòng, ban, địa phương để rà soát số lượng, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để tham mưu cho UBND huyện, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề của trung tâm phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.
Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động phù hợp với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện, cũng như nhu cầu thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho người lao động có việc làm ổn định, gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo nghề.
Ông Hoàng Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa cũng cho biết, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động sản xuất, làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng để vươn lên thoát nghèo, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn tín dụng ưu đãi gắn với công tác đào tạo nghề cho người lao động.
Hải Sâm