Tại huyện Phù Cát (Bình Định), năm 2024, tỉnh giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều về 4,44%, tương đương 2.489 hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, số hộ nghèo cuối năm 2024 phấn đấu về 267 hộ (0,48%), nghĩa là huyện cần giảm 1.032 hộ nghèo. Với hộ cận nghèo, năm nay tỉnh giao huyện giảm thêm 97 hộ, đưa số hộ cận nghèo về 2.222 (3,97%).
Năm 2024, nguồn vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giao cho huyện Phù Cát hơn 2,86 tỷ đồng thực hiện Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Huyện xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, bởi đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là "chìa khoá" quan trọng mở cơ hội thoát nghèo bền vững, đa chiều cho người dân.
Theo Phân kỳ thực hiện tổng hợp số người đăng ký chuyển đổi đào tạo nghề kèm theo Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Định giai đoạn 2024-2025, huyện Phù Cát có tổng cộng 1.789 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đăng ký đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghề, trong đó khoảng 1.000 người do không có vốn sản xuất kinh doanh hoặc không có kiến thức về sản xuất/kỹ năng lao động.
Theo kế hoạch, năm 2024 có 450 người có nhu cầu sẽ được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghề; 252 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ giới thiệu việc làm năm 2024.
Năm 2024, huyện đặt mục tiêu đào tạo 540 lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, để các đối tượng này có kiến thức, kỹ năng, tay nghề để tự tạo việc làm, tiếp cận thị trường lao động. Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Cát, đến hết tháng 6, huyện đã tổ chức 13 lớp đào tạo nghề cho 388 lao động nông thôn, đạt 71,8% kế hoạch. Gần 85% trong số này là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo (tương đương 328 học viên).
9/13 lớp là đào tạo nghề phi nông nghiệp với các nghề: Kỹ thuật chế biến món ăn, điện dân dụng, may thời trang nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Chị Nguyễn Thị Cùng (36 tuổi, ở thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) thuộc diện hộ cận nghèo. Nhiều năm nay, chị chỉ làm nông, làm thuê, thu nhập được chăng hay chớ thiếu ổn định nghề nghiệp. Đầu năm nay, chị theo học lớp may thời trang gần 3 tháng.
Nhờ được chỉ dẫn "cầm tay chỉ việc" tận tình, đến nay, chị em trong lớp học may của chị Cùng đã có thể cắt, may được áo đơn giản cho chính mình, nếu thêm chi tiết phức tạp, giáo viên sẽ hướng dẫn giúp đỡ thêm. Chị Cùng tính toán, sau khi học xong sẽ nhận sửa đồ, nhận may khẩu trang, nhận hàng về gia công tại nhà.
Xã Cát Chánh nơi chị Cùng sinh sống là một trong những địa phương tổ chức được nhiều lớp nghề. Nửa đầu năm, xã tổ chức 3 lớp cho 78 lao động với các nghề: Điện dân dụng, may thời trang, nuôi và phòng bệnh cho gà.
Tại xã Cát Minh, cuối tháng 7, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Phù Cát tổ chức Bế giảng lớp sơ cấp nghề kỹ thuật chế biến món ăn. Sau thời gian đào tạo 3 tháng, các học viên, trong đó có nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, được học các chuyên đề: Sinh lý dinh dưỡng; thương phẩm và an toàn thực phẩm; xây dựng thực đơn; văn hóa ẩm thực; chế biến món ăn và thực tập tại cơ sở; tổ chức thi nấu ăn theo nhóm…
Khoá đào tạo ngắn hạn trang bị cho các học viên kiến thức và kỹ năng cơ bản về kỹ thuật chế biến, trình bày các món ăn. Họ cũng được hướng dẫn thực hiện quy định về an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Các chương trình đào tạo nghề đã giúp nhiều lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo có cơ hội học hỏi kỹ năng mới, cải thiện khả năng tìm việc làm và nâng cao thu nhập. Với nhiều học viên, hoàn thành việc học tập tại các lớp nghề, được cấp chứng chỉ, sẽ là bước đầu mở ra cánh cửa công việc, giúp đem về nguồn thu nhập ổn định hơn để nuôi sống gia đình.
Bên cạnh việc đào tạo nghề cho người lao động, Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm tại 18/18 xã, thị trấn trong 6 tháng đầu năm 2024 với 900 lượt người tham gia.
Đây là cơ hội giúp người lao động tiếp cận với các nhà tuyển dụng, có thể ứng tuyển vào làm việc tại các doanh nghiệp, tham gia xuất khẩu lao động. Đến nay, huyện Phù Cát đã tạo việc làm mới cho hơn 1.400 đối tượng, đạt 60% kế hoạch năm 2024.