Nhiều câu chuyện, truyền thuyết về các vị vua và danh tướng Việt Nam thời phong kiến không phải ai cũng đã biết.
Dưới đây là đáp án trắc nghiệm “Ngôi vua hơn gì một cái áo?”.
Câu 1: Vị danh tướng nào thường được gọi tên theo chiến công của ông?
Đáp án chính xác là Lý Phục Man.
Lý Phục Man (? - 547), không rõ họ tên thật. Ông là một danh tướng thời Lý Nam Đế ở thế kỷ 6 trong lịch sử Việt Nam. Vì ông có công thu phục được các bộ tộc thiểu số (người Man) vùng Đỗ Động - Đường Lâm (vùng tây bắc nước ta thời Lý Nam Đế) nên được suy tôn là "Phục Man Tướng Quân". Ông cùng với Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp xâm lược nên đã được vua ban quốc tính, cho mang họ "Lý".
Câu 2: Ai là người "coi ngôi vua không hơn một cái áo"?
Đáp án chính xác là Trần Quốc Khang.
Mùa đông năm 1269 Trần Thánh Tông và anh là Trần Quốc Khang hầu Thượng hoàng, lúc ấy Quốc Khang múa 1 điệu của người Hồ, Thượng hoàng bèn cởi ra ban cho ông cái áo vải bông của mình.
Vua Thánh Tông thấy thế cũng múa để xin cái áo đó, Quốc Khang mới bảo: "Ngôi hoàng đế quý thế, không dám tranh với em, nay có cái áo này chú em cũng muốn giành sao?".
Thượng hoàng mới cười mà nói "Thế ra mày coi ngôi vua với cái áo xoàng này không hơn kém gì nhau".
Câu 3: Vị tể tướng từng 4 lần về hưu là ai?
Đáp án chính xác là Nguyễn Hoàn.
Nguyễn Hoàn vốn là thầy dạy của chúa Trịnh Sâm. Tháng 4 năm Đinh Dậu 1777, ở tuổi 65, ông xin về trí sĩ, nhưng mới được nghỉ có 3 ngày thì chúa lại lệnh phải lên phủ để nhận nhiệm vụ Phụng chỉ ngũ lão.
Sau đó, ông được chúa cho về nghỉ, nhưng cũng chỉ được 2 tháng, đến tháng 6 lại phải vào chầu và luôn ở lại để giúp việc chúa.
Năm Kỷ Hợi 1779, con trai ông mất, ông lại xin cho nghỉ hưu để lo việc gia định và được chúa chuẩn y. Năm 1782, ông lại được gọi về phủ để nhận cố mệnh đưa Trịnh Cán lên ngôi chúa.
Năm Bính Ngọ, khi Đoan Nam Vương Trịnh Tông bị bắt thì ông dứt khoát xin từ quan, về trí sĩ ở Đa Sĩ (nay thuộc Kiến Hưng, thành phố Hà Đông).
Câu 4: Thủy Hử từng kể việc Trương Thanh một ngày đánh đuổi 15 viên đại tướng đối phương. Ở Việt Nam tương truyền cũng có một vị tướng lập được "thành tích" tương tự, ông là ai?
Đáp án chính xác là Nguyễn Quang Huy
Theo "Nhà Tây Sơn" của Quách Tấn - Quách Giao, đó là danh tướng Tây Sơn Nguyễn Quang Huy. Có lần ông đã đánh lui 25 viên tướng của Nguyễn Ánh trong một ngày, và còn dùng cung thiết thai bắn bị thương cánh tay của Nguyễn Ánh. Tất nhiên chính sử nhà Nguyễn không ghi chép chuyện này, mà chỉ là truyền thuyết thôi.
Câu 5: Một vị sư từng bị bắt làm tù binh, sau đó lại trở thành vị tổ của một dòng thiền nổi tiếng ở nước ta. Ông là ai?
Đáp án chính xác là Thảo Đường.
Thảo Đường (997 - ?), không rõ thân thế, là một Quốc sư dưới triều vua Lý Thánh Tông và là người sáng lập thiền phái Thảo Đường trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Ông là người Trung Quốc, vốn là tù binh bị bắt tại Chiêm Thành và được vua Lý Thánh Tông giải phóng khỏi kiếp nô lệ và cho mở đạo tại chùa Khai Quốc vào năm 1069. Dòng thiền này truyền được đến 6 đời.