Được biết đến với biệt danh “ông hoàng son môi” trên thị trường mỹ phẩm Trung Quốc, Li đã gây tranh cãi sau khi đáp trả 1 người xem rằng liệu họ có “làm việc đủ chăm chỉ” hay không khi người này nhận xét chiếc bút kẻ lông mày có giá 79 nhân dân tệ (263 nghìn đồng) là quá đắt trong một buổi bán hàng livestream mới đây.
Mặc dù đã đưa ra lời xin lỗi đầy nước mắt trong buổi phát trực tiếp ngay hôm sau, Li vẫn lập tức mất tổng cộng hơn 1,5 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo và Taobao Live.
“Bản thân tôi là một nhân viên bán hàng tại quầy trang điểm, tôi hiểu sâu sắc rằng cuộc sống của mọi người đều khó khăn và không hề dễ dàng”, Li viết trong một bài đăng xin lỗi trên Weibo.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng vẫn chỉ trích người đàn ông 31 tuổi - người thu hút hàng chục triệu người xem mỗi buổi livestream bán hàng. Lý do là anh đã thiếu kết nối với khách hàng.
“Bạn đang kiếm tiền từ những người bình thường, nhưng bạn vẫn chế giễu họ nghèo khổ” - bình luận có 770.000 lượt like dưới bài đăng xin lỗi của Li.
Cư dân mạng cũng tấn công nhà sản xuất sản phẩm, thương hiệu nội địa Florasis, bằng cách so sánh giá của chiếc bút chì với giá vàng. Các thương hiệu trang điểm nổi tiếng khác của Trung Quốc thường bán bút chì kẻ mắt với giá 20 đến 30 nhân dân tệ mỗi cây.
Fan Huijie, một người có ảnh hưởng về thời trang trên Xiaohongshu, rất thất vọng trước nhận xét của Li, đặc biệt trong bối cảnh tình hình tài chính của người dân bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi đại dịch bắt đầu. Fan chia sẻ với tờ Sixth Tone: “Những gì anh ấy nói khiến anh ấy có vẻ vô cảm và lạc lõng”.
Báo chí Trung Quốc cũng đã lên tiếng về sự việc, trong đó đài Truyền hình quốc gia kêu gọi những người phát trực tiếp như Li hãy khiêm tốn hơn.
“Mọi hoạt động kinh doanh đều phụ thuộc vào người tiêu dùng thông thường - những người quản lý chi tiêu một cách cẩn thận. Một khi người bán quên mất rằng mình cần cung cấp dịch vụ tốt, họ sẽ bị từ chối và tẩy chay”, đài truyền hình quốc gia bình luận.
Tuy nhiên, một số người hâm mộ vẫn đang bảo vệ Li vì anh thường đưa ra mức giá thấp hơn thị trường.
Tranh cãi nổ ra vào thời điểm chính phủ Trung Quốc đang cố gắng nâng cao niềm tin của người tiêu dùng trong bối cảnh tốc độ phục hồi sau đại dịch chậm. Theo Cục Thống kê quốc gia, tốc độ tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 so với cùng kỳ lần đầu tiên ở mức âm tính từ tháng 1/2021.
Trong khi đó, xu hướng tìm kiếm “các sản phẩm thay thế giá rẻ” đã trở nên phổ biến trong những tháng gần đây khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến giá cả.