Hiện nay, nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam đã có mặt trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và ngày càng có sức hấp dẫn lớn với các đối tác quốc tế. Nguyên nhân một phần là nhờ công tác cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được triển khai rộng khắp trên cả nước, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản của nhiều thị trường.

Đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, gạo, sầu riêng.

Số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp nhiều nhất từ các thị trường Trung Quốc, Mỹ, New Zealand và Australia. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng.

W-nongsan-1.png
Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Cụ thể như: Công văn 5841/BNN-BVTV ngày 26/8/2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về việc tăng cường công tác giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Công văn số 2425/BNN-BVTV ngày 27/4/2021 về việc kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu; Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu...

Từ năm 2020 đến 2022, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức được 52 lớp tập huấn hướng dẫn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu cho các sản phẩm trái cây, rau màu, lúa... cho 4.773 lượt học viên.

Năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng 15 lớp tập huấn và 2 hội nghị liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tính đến hết tháng 7/2023, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức 8 lớp tập huấn và 1 hội nghị với sự tham dự của 657 lượt người. Các hiệp hội ngành hàng cũng chủ động phối hợp với cơ quan quản lý để hỗ trợ, tập huấn cho hội viên về vấn đề mã số.

Chính quyền địa phương quan tâm và bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Đến nay có 23/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch và bố trí nguồn lực để giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Trong khi đó, người sản xuất cũng ngày càng quan tâm hơn đến mã số vùng trồng; tự nguyện đăng ký tham gia các vùng trồng; tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp tích cực phối hợp, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Sản xuất theo nhu cầu thị trường. Câu nói “được mùa mất giá, mất mùa được giá” dùng để nói đến sự yếu kém về công tác thị trường trong ngành nông sản. Điều này chỉ đúng một phần, nói chính xác thị trường luôn luôn có nhu cầu, nhưng đặc điểm của nó là hay thay đổi. Chính sự biến động liên tục của thị trường đã làm cho người sản xuất khó nắm bắt được chính xác nhu cầu của nó.

Thị trường tiêu thụ lớn nhất rau quả của Việt Nam đã thay đổi. Các thị trường khác cũng thường xuyên bổ sung những quy định mới vào hệ thống rào cản, phòng vệ thương mại của mình. 

Hội nhập càng sâu rộng thách thức càng nhiều. Ở thị trường nước ngoài, bên cạnh việc phải thay đổi mình để tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu vừa phải cạnh tranh với các doanh nghiệp bản địa vừa phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ các quốc gia khác. Ở thị trường trong nước, khi mở cửa hội nhập ngành rau qủa Việt Nam phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ nước ngoài với những đối thủ có tiềm lực hùng hậu hơn về tài chính, khoa học, kỹ thuật cao hơn đó là thách thức to lớn.

Cách mạng 4.0 đang được triển khai trong nhiều lĩnh vực kể cả trong sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, nên bắt đầu từ việc làm thật tốt việc cấp và quản lý mã vùng trồng, để tăng sức cạnh tranh cho nông sản khi vươn ra thị trường thế giới.

Phạm Lương Bằng, Nguyễn Thị Trà My, Phạm Văn Bắc, Hà Lệ Yên