Sau chia tách, thành lập tỉnh năm 2004, Lai Châu có tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất cả nước (31,3%, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2001 - 2005), thu nhập bình quân đầu người đạt rất thấp, khoảng 3,1 triệu đồng/người/năm, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là các dân tộc rất ít người như Mảng, Cống, Si La và La Hủ.
Công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đặc biệt quan tâm, đã huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Một trong những giải pháp thiết thực giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân đượcc các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai là vận dụng tối ưu các chính sách hỗ trợ của chính phủ và địa phương khuyến khích xây dựng, mở rộng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Theo đó, mô hình kinh tế tập thể, HTX được khuyến khích phát triển trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế. Tập trung phát triển HTX gắn với sản phẩm chủ lực của vùng như chè, cây dược liệu, cây ăn quả có múi, các sản phẩm OCOP, chăn nuôi, phát triển du lịch cộng đồng...
Theo số liệu thống kê của tỉnh, tính đến hết tháng 9 năm 2023, Các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh ở nông thôn đã được hình thành và sản xuất có hiệu quả đặc biệt hợp tác xã, hiện toàn tỉnh có 176 HTX nông nghiệp, 16 trang trại, tổ hợp tác.
Số lao động làm việc thường xuyên trong khu vực HTX là 3.350 lao động, đạt 88,2% so với kế hoạch năm 2023. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên 52,6 triệu đồng/người/năm, đạt 99,2% so với kế hoạch năm 2023. Tổng số cán bộ quản lý HTX là 1.124 người, trong đó: Số cán bộ quản lý đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp 340 người; số lượng cán bộ quản lý trình độ đại học, trên đại học 35 người.
Bước đầu đã hình thành mô hình hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao một số khâu trong sản xuất. Đặc biệt một số hợp xã chuyên canh gắn với vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung. Qua đó tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững. Đặc biệt, sự phát triển của kinh tế tập thể, HTX đã góp phần giảm nghèo tại tỉnh Lai Châu.
Ứơc năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh sẽ giảm còn 24,9%.
Một số mô hình tiêu biểu sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao
Thông tin tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội, nhiệm kỳ 2020-2025 của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lai Châu cho thấy, vừa qua, nhiều HTX trong tỉnh mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa theo đúng định hướng, chỉ đạo của tỉnh.
Các tổ hợp tác, HTX hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, đã khai thác được những thế mạnh, tiềm năng của địa phương về nguyên liệu, lao động, thị trường để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho các tổ viên. Chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX được nâng lên.
Xin điểm ra một số mô hình tiêu biểu đã góp phần tích cực trong hành trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Lai Châu:
HTX Phương Nhung, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên đã ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; đảm bảo hài hòa quyền lợi của HTX với thành viên, huy động nguồn lực nội tại trong HTX, thu hút tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu cho thành viên.
HTX Dung Bảo huyện Than Uyên đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thành viên giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và là nơi tiếp nhận, chuyển giao có hiệu quả các ứng dụng khoa học - kỹ thuật, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo trong nông thôn.
Mô hình HTX Nông Dược Phương Nam, huyện Tân Uyên đã phát huy và nâng cao vai trò của mình trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào (giống, phân, thuốc và hướng dẫn kỹ thuật), chủ động tìm kiếm đối tác khách hàng, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên và người dân.
HTX Nông nghiệp và Thương mại Du lịch Than Uyên đã thực hiện liên kết sản xuất với 35 hộ, 125 lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Bản Chát, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua chế biến sâu thành 30 loại sản phẩm (Chả cá, xúc xích, viên cá,…), sản phẩm liên kết tiêu thụ thông qua 15 tập đoàn, công ty, siêu thị tại thành phố Hà Nội và các thành phố trong nước.
HTX nông nghiệp Vùng cao Phong Thổ, xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ; HTX Ngũ Chỉ Sơn, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường tiêu biểu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao và tạo sản phẩm đặc thù của địa phương, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Còn với HTX Mý Dao, HTX nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ đã chứng minh hiệu qua qua việc thực hiện liên kết 145 hộ, 50 ha, trồng và bao tiêu cây dược liệu (Đương quy, Đỗ trọng, Astiso,…), chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm (10 sản phẩm OCOP 3 sao) đảm bảo ổn định giá cho các hộ tham gia liên kết thông qua các doanh nghiệp tiêu thụ tại Hà Nội.
V.v....V.v....
Từ những thành tựu mà các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã đã gặt hái được, ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể là nhiệm vụ rất quan trọng. Vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh cần tập trung nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm phát triển HTX, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Với chính sách của tỉnh Lai Châu nhằm tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác rộng đường phát triển, trở thành điểm tựa trong triển khai thúc đẩy giảm nghèo bền vững sẽ tiếp tục góp phần nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn vùng đồng bào DTTS hiện nay và sắp tới.