Những dự án với cái tên hoành tránh mang ý nghĩa thiên niên kỷ, dấu thời đại lại trái ngược với số phận của chúng. Điểm chung của những dự án tỷ đô là sau gần một thập kỷ thành “bánh vẽ” hoặc “đầu voi đuôi chuột”. Nào quảng trường, tổ hợp cao ốc, nào sân golf, trường đua ngựa, biệt thự, công viên... vẫn chỉ nằm trên giấy.

Loạt dự án “Thời đại”

Tham vọng để đời của các chủ đầu tư đều được thể hiện qua tên của các dự án. Tuy nhiên, từ ý tưởng trên giấy tới khi dự án đi vào thực tế là một chặng đường dài. Không ít các dự án đình đám, tên tuổi đang phải chịu số phận khá bi đát.

Trong quý vừa qua, thị trường bất động sản xôn xao khi VinaCapital đã chính thức buông dự án “đắp chiếu” gần 1 thập kỷ Times Square Hà Nội. Times Square Hà Nội, với cái tên khá mỹ miều, tạm dịch là “Quảng trường thời đại”, được phát triển bởi liên doanh giữa VinaCapital và Công ty Thăng Long GTC, một đơn vị thành viên của Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Times Square Hà Nội được kỳ vọng trở thành tổ hợp ở phía Tây.{keywords}

Khởi công xây dựng từ 18/12/2008, dự kiến hoàn thành vào quý IV năm 2011 với tổng số vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD nhưng đến nay dự án vẫn “đắp chiếu”.

Quỹ VinaLand (VNL) thuộc Tập đoàn VinaCapital vừa ra thông báo đang trong quá trình thoái toàn bộ vốn khỏi dự án sau gần 1 thập kỷ gần như bất động. VNL sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại dự án này cho nhà đầu tư nước ngoài Elite Capital Resources Limited.

Sau Times Square, VinaLand tiếp tục bán dự án Vina Square cho một đối tác khác với giá trị là 41,2 triệu USD. Vina Square là dự án đặt tại TP.HCM, tổng diện tích đất khoảng 3ha, được VinaLand đầu tư từ năm 2007. Tổng vốn đầu tư khoảng 210 triệu USD

Đây là dự án đặt trên đường Trần Phú, Quận 5, dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp trên 254.557m2 bao gồm mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê hạng B và 1.186 căn hộ trung - cao cấp.

Cùng chung chữ Square, Golden Square Đà Nẵng cũng có số phận không mấy khả quan. Dự án của Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á (Dong A Real Estate), có tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng. Trên website của công ty này giới thiệu, đây là một khu phức hợp gồm trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp.

Tại thời điểm khởi công đầu năm 2008, chủ đầu tư tự hào rằng, dự án này có quy mô đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng và cam kết thời điểm mở bán là năm 2010, với giá khởi điểm 1.500-1.700 USD/m2

Năm 2014, Golden Square ngừng thi công và “lặng im” mãi không khởi động lại, mặc dù TP. Đà Nẵng đã liên tiếp ra 3 văn bản nhắc nhở. Đến giữa năm 2016, khi dự án được chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới là Tập đoàn Alphanam (Hà Nội).

Những công trình 'đỉnh cao'

Với cái tên Summit “Đỉnh cao” nhưng The Summit Đà Nẵng cũng đỉnh cao về tiến độ khiến người mua nhà nhọc nhằn đi đòi quyền lợi. Siêu dự án The Summit Sơn Trà được chủ đầu tư là Công ty TNHH Meridian Land (Đà Nẵng) khởi công từ tháng 5/2010. Ban đầu, Dự án có quy mô 20 tầng với 146 căn hộ trên diện tích 3.800 m2, tổng mức đầu tư 17 triệu USD.

Trong quá trình thi công, chủ đầu tư rao bán căn hộ với mức giá khác nhau và cam kết bàn giao nhà từ giữa tháng 11/2012. Dự án ngày càng ì ạch, rồi đuối sức và dừng hẳn ở tầng thứ 22 từ năm 2010 đến nay.

{keywords}

Không chỉ 101 khách hàng đã đặt tiền cọc mua nhà chung cư của Dự án Summit rơi vào tình trạng hoang mang, mà Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) chi nhánh Đà Nẵng và Nam Thừa Thiên Huế (chủ nợ của dự án) cũng đang đau đầu trong vụ việc này.

Với cái tên Landmark, tạm dịch là “dấu ấn”, PetroVietnam Landmark đúng là có nhiều dấu ấn không thể nào quên với người mua nhà. Dự án PetroVietnam Landmark là khu tổ hợp cao ốc - thương mại - dịch vụ, với tổng diện tích hơn 19.000 m2. Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2010, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Nhiều khách hàng mua dự án này đã liên tục treo bảng đòi nhà, khởi kiện Công ty PVC Land do thời gian hoàn thành dự án bị kéo dài. Từ năm 2013, các tranh chấp liên quan đến khu chung cư này ngày càng trở nên ầm ĩ.

Sau thời gian dài “trùm mền” do chủ đầu tư thiếu vốn, cư dân đã nhiều lần căng băng rôn phản đối, cầu cứu Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng.

Cuối tháng 2/2017, nhiều khách hàng mua căn hộ PetroVietnam Landmark đã nộp đủ tiền mua nhà cho biết họ vô cùng hoang mang khi hay tin dự án bị phong tỏa.

Một dự án khác cũng được giới bất động sản kỳ vọng cao là dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Tây. Dự án tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất trên địa bàn quận Hà Đông nhưng kể từ khi được chấp thuận đầu tư, qua 1 lần điều chỉnh quy mô dự án từ 30 triệu USD lên 50 triệu USD, tòa Tháp thiên niên kỷ Hà Tây đến nay vẫn là... bãi đất hoang, chưa có hạng mục xây dựng nào được tiến hành.

Dream City “Thành phố mơ ước” siêu dự án khu nghỉ dưỡng tại Phú Thọ được xem là hoành tráng nhất miền Bắc vẫn chỉ là những cánh đồng mênh mông. Đơn vị được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt cấp Giấy chứng nhận đầu tư (ngày 28/01/2010) là Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo, xây dựng địa ốc Việt Hân.

Dự án này chiếm đất của 9 xã thuộc huyện Tam Nông gồm: xã Phương Thịnh, Cổ Tiết, Quang Húc, Văn Lương, Thọ Văn, Hương Nộn, Tứ Mỹ, Tề Lễ và Xuân Quang với tổng diện tích 2.050 ha.Tuy nhiên, sau nhiều năm chờ đợi, những sân golf, trường đua ngựa, biệt thự, công viên... chỉ nằm trên giấy.

Duy Anh