- Trước sức ép của lao
động Libya về nước đã hơn 3 tháng vẫn chưa được thanh lý hợp đồng, nhiều doanh
nghiệp XKLĐ không còn cách nào khác phải tự tìm cách “xoay xở” để giải quyết
bức xúc của người lao động.
Thanh lý hợp đồng và tìm thị trường mới
Ông Đoàn Đại Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Sona cho biết: Hiện số lao động đi
Libya phải về nước sớm của công ty được chia làm hai đối tượng để tiến hành giải
quyết quyền lợi cho người lao động.
Với những lao động đi được trên 1 năm, công ty sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng
theo luật lao động, đối tượng này sau khi thanh lý nếu nhà nước có chính sách hỗ
trợ, công ty sẽ tiến hành mời lao động lên để hỗ trợ theo chế độ của nhà nước.
Còn với lao động mới đi có thời gian chưa được 1 năm thì phải chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước thì công ty mới tiến hành thanh lý được.
Cả doanh nghiệp XKLĐ và lao động đi Libya vẫn đang nóng lòng chờ phương án hỗ trợ của nhà nước để tiến hành thanh lý hợp đòng. |
“Đến nay công ty đã tiến hành thanh lý được 2/3 trong tổng số 2.112 lao động
đi Libya, số còn lại hiện vẫn chưa thanh lý được. Tuy nhiên, sẽ căn cứ vào thời
gian người lao động đi làm việc nếu người nào đi được thời gian ít phải về nước
sớm nhất thì người đó sẽ được hỗ trợ nhiều nhất”, ông Thành nói.
Cũng tiến hành thanh lý hợp đồng trên 1 năm cho lao động Libya, những doanh
nghiệp có nhiều lao động về nước như: Vinaconexmec, Việt Thắng… cũng đã tiến
hành thanh lý được một số lượng lao động lớn. Trong đó, công ty Vinaconexmec đã
thanh lý được hơn 1.300 lao động, Công ty CP Việt Thắng cũng đã thanh lý được
hơn 500 lao động.
Việc thanh lý hợp đồng cho người lao động được các doanh nghiệp XKLĐ tiến hành
cùng với việc tìm thì trường mới để đưa người lao động đi xuất khẩu trở lại.
Ông Thành nói: “Hầu hết lao động đi Libya phải về nước, đa số đều có mong
muốn đi tiếp và công ty phải tiến hành thanh lý hợp đồng cũ theo luật định rồi
mới đưa lao động đi được. Hiện tại công ty đã đưa được một số lao động sang Ả
rập xê út để làm việc ổn định”.
Cũng tìm thị trường lao động mới
cho lao động Libya, ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Thắng
cũng cho biết, công ty đã có một số lao động đăng ký sang Malaysia, Ả rập xê út
và thị trường Oman làm việc. Tuy nhiên, ông Xuân cũng thành thật nói rằng, thị
trường Malaysia không thu hút được nhiều lao động vì thu nhập của thị trường này
thấp, người lao động không mặn mà.
Là doanh nghiệp có gần 100 lao động Libya về nước, đa số lao động đi có thời
gian từ 1 năm trở lên nên dù chưa có chính sách hỗ trợ của nhà nước, ông Nguyễn
Xuân Vui, Chủ tịch HĐQT Công ty Airseco cũng đã tiến hành thanh lý xong cho số
lao động và đưa người lao động sang thị trường Nga làm việc.
Ông Vui bảo, lao động làm việc bên Nga lương và thu nhập dao động từ 275 USD đến
600 USD nếu lao động chịu khó làm thêm. So với các thị trường bình dân thì đây
là mức thu nhập chấp nhận được nên trong số lao động Libya của công ty phải về
nước trước hạn đã có hơn một nửa đăng ký làm thủ tục đi XKLĐ tại Nga.
Khó đòi lương đối tác trả người lao động
Ông Nguyễn Văn Hiệp, giám đốc Công ty Vinaconexmec cho biết: Lương của doanh
nghiệp nước ngoài nợ lao động công ty chỉ mới đòi được khoảng 70%, hiện còn
khoảng 500 lao động đang bị doanh nghiệp nước ngoài nợ lương vẫn chưa lấy được.
Khó khăn hơn Công ty Vinaconexmec, ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch HĐQT, Công ty
CP Việt Thắng thành thật: Hiện tại công ty gặp khó khăn nhất trong việc thanh
toán lương cho người lao động. Trong 6 công ty nước ngoài nợ lương lao động Việt
Nam mới chỉ có 4 công ty trả hết lương, ước tính số tiền nợ lương lao động của
công ty còn đọng lại khoảng gần 20 tỷ đồng.
“Vẫn còn 700 lao động đang bị công ty đối tác nước ngoài nợ lương, có nơi chủ
nước ngoài nợ lao động 1 tháng, có nơi nợ 2 thậm chí 3 tháng chưa trả (với số
tiền 14 đến 15 triệu đồng/ người). Công ty cũng đã nhiều lần viết thư cho chủ
lao động người Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí viết thư lên đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ nhờ can
thiệp nhưng đến giờ phút này vẫn chưa thể đòi được lương của người lao động”,
ông Xuân nói.
Ông Xuân cho biết thêm, ông đã kiến nghị lên Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ
LĐTBXH) xem có hướng giải quyết gì không, nhưng đến thời điểm này Cục vẫn chưa
có văn bản chính thức nào đưa ra hướng giải quyết và không còn cách nào khác
doanh nghiệp vẫn phải đợi.
Cũng liên quan đến việc đối tác nước ngoài nợ lương người lao động, ông Hiệp
thừa nhận, có cả đối tác là người Libya, với những đối tác này thì nhiều khả
năng không thể đòi được lương cho người lao động.
Ngoài việc nợ, ông Hiệp còn cho biết, hiện có nhiều đối tác nước ngoài công ty
không thể đòi được cả phí môi giờ mà công ty đã trả cho họ từ trước, do vậy việc
thanh lý hợp đồng cho người lao động cũng gặp rất nhiều khó khăn.
"Theo luật là doanh nghiệp đối tác phải trả cho người lao động, nhưng nếu đối
tác không trả thì doanh nghiệp phải trả cho người lao động”, ông Hiệp nói.
- Vũ Điệp