Những ngày gần đây, món đậu phụ Na Sầm bất ngờ được chia sẻ rầm rộ trên nhiều diễn đàn mạng về mua bán, ăn uống ở Hà Nội. Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng của thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn suốt nhiều năm nay.

Chính bởi sức hút đặc biệt của đậu phụ Na Sầm, nhiều chị em nội trợ ở Hà Nội thi nhau đặt mua, không ngại chờ đợi vài ngày để thưởng thức, xem món ăn nức tiếng này có hương vị thế nào so với các món đậu quen thuộc khác.

Tuy nhiên, không ít người sau khi mua đã tỏ ra thất vọng vì có trải nghiệm không tốt với món đậu phụ Na Sầm. Họ nhận xét, chất lượng món đậu “không như quảng cáo”, “chả thấy thanh mát, chỉ thấy chua”, “phí tiền mua”.

Chị Nguyễn Xuân – một tiểu thương nhiều năm làm đậu phụ Na Sầm và bày bán trong thị trấn cùng tên cho biết, món ăn này hiện chỉ được tiêu thụ ở tỉnh, không vận chuyển tới các vùng lân cận, nhất là Hà Nội vì khó đảm bảo được chất lượng.

“Đậu phụ là đồ ăn tươi, được chế biến thủ công và không có chất bảo quản. Việc vận chuyển đậu phụ từ Lạng Sơn xuống Hà Nội hay tới các vùng khác đều mất nhiều thời gian.

Chưa kể nhiệt độ bảo quản không đúng và người bán thường để qua ngày mới giao tới tay khách hàng, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị của đậu”, chị nói.

đậu phụ na sầm.jpg
Đậu Na Sầm được bọc riêng từng miếng trong những lớp vải mỏng để giữ khuôn đẹp và đảm bảo vệ sinh hơn. Ảnh: NVCC

Tiểu thương này cho hay, nhiều người bán hàng online ở Hà Nội thấy đậu phụ Na Sầm gây sốt nên liên hệ với chị để nhập về Hà Nội bán. Tuy nhiên, chị từ chối vì thấy không khả thi.

“Có một số người vẫn đóng đậu vào thùng xốp, thêm nước đá lạnh rồi vận chuyển xuống Hà Nội nhưng tới nơi thì đậu hỏng, bị chua, thiu. Điều này khiến nhiều thực khách lầm tưởng chất lượng đậu Na Sầm không như quảng cáo và có nhận định chưa chính xác về món ăn của quê tôi”, chị Xuân bày tỏ.

đậu phụ na sầm.gif
Công đoạn gói đậu cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và tốn khá nhiều thời gian vì người dân phải gói lại 2 lần để miếng đậu vuông vắn, đẹp mắt. Ảnh: Thai Lang Son

Theo người phụ nữ này, đậu phụ là món bình dân, quen thuộc, có mặt ở khắp cả nước nhưng nhờ bí quyết riêng với cách làm có chút khác biệt mà người dân Na Sầm đã tạo nên một món đậu phụ hấp dẫn, hương vị đặc trưng.

Quá trình làm đậu không quá phức tạp, nhưng phải thực hiện qua nhiều công đoạn nên tốn thời gian. Các hộ dân làm đậu tại địa phương phải dậy từ 3h để làm những mẻ đậu bán buổi sáng, từ 12h thì làm mẻ đậu bán chiều.

Để làm đậu phụ Na Sầm ngon, người bản địa phải chọn những hạt đỗ tương ngon, kích thước to đều, tròn mình và không bị lép. Sau khi rửa sạch, đỗ được ngâm nước khoảng 1 - 2 tiếng rồi đem xay thành bột, tiếp đến cho vào máy lọc – vắt lấy nước.

Phần nước thu được tiếp tục cho đun sôi rồi đổ ra chậu, pha chế đến khi nước đậu kết tủa thành tảng thì bắt đầu đổ vào khuôn, gói thành từng cái.

đậu phụ Na Sầm   Tạ Thu Hiền.jpg
Đậu Na Sầm ăn ngay hay chế biến đều ngon. Tuy nhiên, vì quá trình vận chuyển khó đảm bảo giữ được trọn vẹn chất lượng của đậu, nên nhiều thực khách ở Hà Nội muốn thưởng thức cũng khó. Ảnh: NVCC

“Công đoạn pha chế rất quan trọng, phải đảm bảo pha nước và nước đậu chua với tỷ lệ phù hợp để đậu thành phẩm mềm mịn, dậy mùi thơm đặc trưng. Khi nén đậu cũng phải nén chắc tay để đậu rắn lại, lúc chế biến không bị nát”, chị Xuân chia sẻ.

Nét đặc trưng nhất của đậu Na Sầm là hương vị thanh mát, bùi ngậy, có thể ăn sống (chần qua nước sôi) hoặc chế biến thành các món rán, kho. Ngon nhất là đậu rán ngập dầu, chấm cùng mắm tôm, vỏ ngoài giòn rụm, bên trong mềm mướt.

Vì khó bảo quản khi vận chuyển xa nên đậu phụ Na Sầm chủ yếu được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Du khách nếu muốn thưởng thức món đậu nức tiếng này có thể ghé thăm Lạng Sơn, kết hợp trải nghiệm nhiều thức đặc sản hấp dẫn khác như vịt quay, phở chua, bánh cuốn, nem nướng, khâu nhục…