Đây được xem là "cầu nối" quan trọng, đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ, internet phủ sóng rộng khắp, nhiều người cho rằng loa truyền thanh đã lỗi thời. Tuy nhiên, đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận internet còn hạn chế thì loa truyền thanh vẫn là kênh thông tin thiết yếu.

Nhận thức được điều này, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm tăng cường cơ sở vật chất (CSVC) cho hệ thống ĐTT cấp xã. Nổi bật là Dự án 6 về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

quảng trị.jpeg
Quảng Trị nỗ lực trong việc đưa thông tin đến với mọi người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, nhiều xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư hệ thống ĐTT mới, đồng bộ, hiện đại. Điển hình như huyện Hướng Hóa, 13 xã đã được trang bị hệ thống ĐTT ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông với 142 cụm loa, tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Huyện Đakrông cũng đầu tư mới hệ thống ĐTT cho 11 xã, thị trấn với 121 cụm loa.

Ngoài ra, từ nguồn ngân sách tỉnh, Sở TT&TT trang cấp thiết bị máy móc cho hệ thống ĐTT, truyền hình cấp huyện giai đoạn 2022-2024. Sau khi được trang cấp CSVC của hệ thống ĐTT cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng thông tin truyền thông ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, hệ thống ĐTT xã ở huyện phát huy hiệu quả cao hơn.

Đầu tư hệ thống đài truyền thanh hiện đại, đồng bộ

Ông Hồ Ngọc Tình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa, cho biết: "Từ khi hệ thống ĐTT xã được đầu tư trang thiết bị mới, hệ thống máy phát hiện đại, các chương trình phát sóng đã phủ kín khắp các thôn, bản, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng thuận lợi hơn."

Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống ĐTT không chỉ giúp người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận thông tin thời sự, chính sách pháp luật mà còn là kênh phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, ĐTT cũng là công cụ đắc lực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đối với huyện Đakrông, trước thực trạng CSVC, trang thiết bị phục vụ cho công tác truyền thanh trên địa bàn huyện không đồng bộ, một số ĐTT hư hỏng, xuống cấp, từ năm 2023, thông qua nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, địa phương được Sở TT&TT đầu tư mới hệ thống ĐTT của 11 xã, thị trấn với 121 cụm loa thôn, bản.

Tất cả hệ thống ĐTT các xã, thị trấn được đầu tư đồng bộ theo công nghệ hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, đưa thông tin đến các tầng lớp nhân dân. Từ đó đến nay, hoạt động của ĐTT xã được duy trì thường xuyên giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin mang tính thời sự ở trong nước và thế giới; tiếp cận với sự phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất, từ đó, áp dụng và tình hình thực tế tại địa phương để nâng cao năng suất lao động.

Toàn tỉnh hiện có 28 xã đặc biệt khó khăn. ĐTT cấp xã thực hiện 2 chức năng tiếp âm và là công cụ phục vụ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã. Thực hiện Dự án 6, Sở TT&TT đã tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu của các ĐTT xã để có hướng hỗ trợ các ĐTT xã phù hợp. Nhờ nguồn kinh phí của chương trình, từ năm 2022-2024, toàn tỉnh có 30 xã được đầu tư thiết lập mới ĐTT, 6 xã được nâng cấp ĐTT.

Với sự nỗ lực của chính quyền các cấp và sự chung tay của toàn xã hội, hệ thống ĐTT ở Quảng Trị sẽ tiếp tục phát huy vai trò "cầu nối" quan trọng, đưa thông tin đến với mọi người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.