1.jpg.jpg

Theo báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo của 196 trường ĐH, CĐ công lập trên phạm vi toàn quốc, được Bộ GD-ĐT công bố tại hội nghị này thì hiện nay cơ sở vật chất về CNTT của các trường ĐH-CĐ công lập còn rất hạn chế. Số liệu tổng hợp kết quả khảo sát cho thấy, hiện 100% các trường được khảo sát đều đã đầu tư, trang bị phòng máy tính phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, số lượng máy tính trang bị cho giảng viên và sinh viên vẫn còn rất thấp. Cụ thể, tính trung bình cứ 3,6 giảng viên mới có 1 máy tính và cứ 22,4 sinh viên mới có 1 máy tính. Kết quả khảo sát cũng chỉ rõ, tính đến nay đã có 100% các trường ĐH-CĐ được khảo sát đã nối mạng Internet bằng nhiều hình thức khác nhau, 75,8% số máy tính của các trường đã nối mạng Internet và 55,8% số máy tính của các trường được nối mạng nội bộ và đã có 40,8% số trường có mạng wi-fi.

Một điểm đáng chú ý trong hoạt động ứng dụng CNTT tại các trường ĐH-CĐ công lập Việt Nam hiện nay, theo kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT, chính là tình trạng khá “chậm chân” trong việc đầu tư cũng như tổ chức để giảng viên và sinh viên khai thác hiệu quả lợi ích từ loại hình thư viện điện tử.

Đại diện Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) nhận định, với sự phát triển của CNTT và Internet hiện nay, thư viện điện tử đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các trường ĐH-CĐ. Bởi lẽ, loại hình thư viện này thể hiện những tính năng vượt trội về khả năng lưu trữ lớn, tốc độ truy cập nhanh, khả năng tiếp cận được mở rộng tối đa. Thế nhưng, tổng hợp số liệu khảo sát 196 trường ĐH-CĐ và kết quả khảo sát trực tiếp tại một số trường lại cho thấy, trên thực tế hiện số trường có thư viện điện tử vẫn rất ít. Trong tổng số 196 trường được khảo sát thì chỉ có 77 trường đã có thư viện điện tử, chiếm tỷ lệ hơn 39%. Kết quả khảo sát cũng chỉ rõ, hiện nay số máy tính để người sử dụng truy cập tại phòng đọc là 175 sinh viên có 1 máy tính; Số bản sách, tài liệu trung bình trên 1 sinh viên cũng rất thấp, chỉ đạt 0,9 bản/sinh viên. “Qua những số liệu trên, có thể thấy rõ sự chậm trễ của các trường trong việc khai thác các lợi thế của CNTT”, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay.

Được biết, đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tiến hành khảo sát trên quy mô lớn đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo các trường ĐH-CĐ công lập. Kết quả khảo sát đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo của các trường ĐH-CĐ công lập trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để các Bộ, ngành đề xuất, xây dựng kế hoạch và định hướng quy mô và cơ cấu đầu tư ngân sách cho các trường ĐH, CĐ công lập trong giai đoạn 2011-2015 tới đây. 

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 129 ra ngày 27/10/2010.