LiFi, công nghệ cung cấp kết nối internet qua ánh sáng hồng ngoại, đã xuất hiện từ vài năm trước. Tuy nhiên, Oledcomm là một trong những công ty đưa công nghệ này ra thị trường theo cách mà người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận.
Cụ thể, Oledcomm đã tạo ra một sản phẩm mang tên MyLiFi, cung cấp kết nối internet không dây cho bạn qua một chiếc đèn và một đầu nhận cắm vào cổng USB của máy tính. Chiếc đèn hiện đang được trưng bày tại CES và nó hoạt động tốt. Tuy nhiên, nó còn vài hạn chế có thể khiến người dùng không muốn bỏ tiền mua.
MyLiFi có hai phần, chiếc đèn và một đầu nhận. Chiếc đèn thực sự rất đẹp. Nó có kiểu dáng khác biệt và thực sự phong cách. Ngoài phần cung cấp kết nối internet, chiếc đèn hoạt động giống như mọi chiếc đèn bình thường khác nhưng được bổ sung một số tính năng thông minh. Nó có thể chuyển đổi từ ánh sáng lạnh sang ánh sáng ấm và kết nối với ứng dụng để điều chỉnh độ sáng và hẹn giờ. Ngoài ra, nó còn có một phiên bản cao cấp với cảm biến ánh sáng giúp nó tự động điều chỉnh độ sáng theo thời gian trong ngày.
Tuy nhiên, kết nối internet không được phát qua ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy. Thay vào đó, một vòng tròn nhỏ ở giữa đèn đảm nhiệm công việc này và kết nối internet được gửi và nhận qua ánh sáng hồng ngoại, mắt thường không thể nhìn thấy được.
Và vì máy tính của bạn không được thiết kế để nhận thông tin qua ánh sáng hồng ngoại nên cần có một đầu nhận để đón kết nối từ đèn. Đầu nhận này về cơ bản tương tự như bộ phận nhận/gửi hồng ngoại nằm ở giữa đèn nhưng chỉ có chức năng nhận và được kết nối với máy tính qua cổng USB.
Công nghệ này hoạt động tốt trong khi thử nghiệm. Khoảng 15 giây sau khi cắm vào MacBook, đèn trên đầu nhận chuyển sang màu xanh, báo hiệu máy tính đã có kết nối internet. Người dùng không cần cài đặt bất cứ phần mềm nào, chỉ cần cắm vào là mọi thứ đã hoạt động. Tốc độ tối đa đạt 23 Mbps nhưng không hề có cảm giác chậm, ít nhất là so với những gì mà quan khách phải trải qua khi sử dụng WiFi tại CES.
Theo Oledcomm, MyLiFi có hai ưu điểm so với WiFi truyền thống. Thứ nhất, nó không tạo ra các sóng vô tuyến, vốn bị nhiều người coi là thứ ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào về việc WiFi và các loại sóng vô tuyến khác gây hại cho con người.
Thứ hai, WiFi có khả năng phát xuyên các bức tường rất tốt còn LiFi thì không. Vì vậy, sẽ rất khó cho những ai muốn truy cập trái phép mạng LiFi của người khác nhằm đọc, đánh cắp dữ liệu.
Tất nhiên, ưu điểm thứ hai cũng chính là nhược điểm của LiFi. Để có kết nối internet, bạn phải ngồi trong tầm trực tiếp của chiếc đèn. CEO của Oledcomm, Benjamin Azoulay, ví kết nối này giống như sợi cáp ethernet ánh sáng. Và vì vậy, nếu bạn uốn cong hoặc xoắn sợi cáp này kết nối sẽ bị ngắt. Tại CES, khi thử chỉnh đầu nhận lệch ra khỏi đèn, kết nối ngay lập tức bị ngắt. Điều này khiến MyLiFi chẳng khác gì một sợi cáp mạng cắm vào máy tính của bạn, bạn sẽ không thể di chuyển thoải mái như khi sử dụng WiFi.
Để khắc phục vấn đề này, Oledcomm có kế hoạch ra mắt thêm nhiều loại đèn LiFi khác, bao gồm đèn trần và đèn tường. Nhờ vậy, bạn có thể kết nối internet khi đi xung quanh phòng. Nhưng như bạn thấy, nó sẽ là một hệ thống phức tạp và đắt tiền hơn nhiều so với WiFi vốn vẫn đang hoạt động hoàn hảo.
MyLiFi đang được gây vốn trên Indiegogo và hướng tới mục tiêu kêu gọi được 50.000 USD. Dự kiến mức giá của chiếc đèn kèm một đầu nhận sẽ là 840 USD. Hiện tại, một chiếc đèn chỉ hỗ trợ một máy tính kết nối internet, khả năng hỗ trợ nhiều máy tính sẽ được cập nhật vào cuối năm nay, vì thế bạn không thể mua thêm đầu nhận.
Theo GenK