Thực hiện chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, Trung tâm Y tế huyện Cô Tô (Quảng Ninh) đã đầu tư hạ tầng công nghệ, máy móc, trang thiết bị, kết nối hệ thống phần mềm với ngân hàng.
Trung tâm bắt đầu triển khai giải pháp thanh toán viện phí bằng quét mã QR và sử dụng thẻ ATM từ ngày 12/9. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 30-40 lượt bệnh nhân. Trước đây, những ngày đông bệnh nhân, lượng người xếp hàng chờ thanh toán viện phí và các dịch vụ khác gây áp lực lên cả cán bộ y tế lẫn người dân.
Với hệ thống mới, số tiền cần thanh toán gắn với thông tin giao dịch viện phí, tài khoản của bệnh viện tại Ngân hàng sẽ được chứa trong mã QR. Người dân chỉ cần đăng nhập ứng dụng Mobile Banking của các Ngân hàng, quét mã QR hiển thị trên phiếu thu cần thanh toán. Sau đó, kiểm tra, xác nhận thông tin giao dịch và thực hiện giao dịch nhanh chóng mà không cần qua quầy thu ngân của bệnh viện.
Nhờ đó, người dân có thêm lựa chọn trả tiền, giảm thời gian chờ, đơn giản hóa quy trình thanh toán, hạn chế rủi ro phát sinh khi thanh toán tiền mặt. Về phía bệnh viện, có thể kiểm soát nguồn thu viện phí, giảm áp lực cho thu ngân.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cũng là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Cẩm Phả trong công cuộc chuyển đổi số. Vấn đề được đưa ra thảo luận trong cuộc họp ngày 7/10 của UBND Thành phố. Theo đó, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố phát triển khá nhanh. Xu hướng mua sắm trên các sàn cũng thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp, mua bán của người dân. Mọi người có thêm các hình thức trả tiền như qua điện thoại di động, Internet, POS, mã QR…
Ông Đinh Ngọc chiến - Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố yêu cầu các phòng ban, đơn vị, phường, xã; các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện thành công các hoạt động thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chủ trương của Chính phủ, của Tỉnh và Thành phố. Ngoài ra, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên website, cổng thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh. Đồng thời, thực hiện thí điểm tại phường, xã các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt.
Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả nằm trong số các đơn vị tiên phong ứng dụng giải pháp thanh toán qua mạng, không dùng tiền mặt. Người dân chỉ cần đăng nhập app ngân hàng, quét mã QR in trên phiếu rồi kiểm tra và xác nhận thanh toán.
Quảng Ninh cũng tiếp tục thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, mở các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn hai phường Hà Trung, Tuần Châu. Theo cổng thông tin điện tử thành phố Hạ Long, 3 chợ truyền thống là Hạ Long 1, Hạ Long 2 và Cái Dăm đã quen thuộc với thanh toán không dùng tiền mặt. Tiểu thương chấp nhận trả tiền qua nền tảng của đơn vị tư vấn hoặc ngân hàng khác. Các loại phí sử dụng dịch vụ tại chợ như tiền điện, nước, vệ sinh môi trường cũng có thể chuyển khoản QR một cách nhanh chóng.
Sau thời gian thí điểm, UBND thành phố nhận được văn bản đề nghị tiếp tục mở các điểm thanh toán không tiền mặt trên diện rộng của ngân hàng Nam Á và Viettel Quảng Ninh. UBND thành phố đồng ý cho hai đơn vị này triển khai thí điểm giải pháp, mở các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt trên diện rộng. Đó là tại các địa điểm như Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, các trường học, các chợ, các siêu thị, các của hàng tiện ích, trong thanh toán điện, nước và các giao dịch, thanh toán khác trong nhân dân… tại hai phường Tuần Châu và Hà Trung.
Theo Kế hoạch số 97/KH-UBND về việc triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu 50% thanh toán không dùng tienf mặt trong thương mại điện tử, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50%. Có thể nói, Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.