Chiều 1/7, tại xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) phối hợp với Văn phòng Bộ Công an, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị Truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người, hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7.
Đây là hoạt động thiết thực của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) và các bên nhằm hạn chế phát sinh tội phạm mua bán người. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng ở khu vực biên giới; thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) nhấn mạnh: Nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo bán ra nước ngoài. Hội nghị lần này nhằm nâng cao nhận thức cho bà con để biết cách tự bảo vệ mình, không bị các đối tượng lừa bán người cũng như chủ động cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng để truy bắt, xử lý tội phạm mua bán người.
Đại diện Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm cũng thông tin đến đại biểu, nhân dân về hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và mua bán người trên các tuyến biên giới; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người trong thời gian gần đây.
Theo đó, hoạt động của tội phạm mua bán người ở Việt Nam nói chung, ở khu vực biên giới nói riêng diễn biến phức tạp. Các đối tượng có sự câu kết, móc nối trong và ngoài nước, hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Nhiều đối tượng người Việt Nam tại nước ngoài câu kết với đối tượng ở trong nước, sử dụng chiêu bài quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ lương cao”, các hội, nhóm "cho nhận con nuôi", "tìm dâu cho người Trung Quốc", sau đó đưa ra nước ngoài ép buộc làm việc trong các cơ sở lừa đảo trực tuyến. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, giam giữ, số lao động này muốn trở về Việt Nam thì phải nộp tiền chuộc. Tình hình trên đã ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đề lại hệ lụy rất lớn cho người dân, gia đình.
Tại tỉnh Lai Châu, từ năm 2019 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ trì đấu tranh thành công 2 chuyên án, bắt, khởi tố, bàn giao 2 vụ, 4 đối tượng về hành vi mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi, giải cứu 1 nạn nhân. Phối hợp với Công an tỉnh Lai Châu đấu tranh thành công 1 chuyên án, bắt 1 vụ, 1 đối tượng, giải cứu 1 nạn nhân…