Thời gian qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở Hà Nam đang được đầu tư phát triển, như: lúa, lợn thịt, bò sữa, bò vàng, các loại củ, quả sạch...
Ngành nông nghiệp không ngừng đeo đuổi mục tiêu phát triển trồng trọt theo quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền. Phát triển các vùng chuyên canh rau, củ, quả chủ lực gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm (dưa chuột, bầu bí, rau ăn lá).
Thực hiện Kế hoạch số 2014/KH-UBND, ngày 17/10/2023 của UBND tỉnh Hà Nam về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 -2025, định hướng đến năm 2030”, ngành Nông nghiệp & PTNT Hà Nam đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong việc thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản của tỉnh nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; góp phần tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Mục tiêu đến 2025: Ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin, số hóa và hoàn thành thu thập thông tin, dữ liệu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng kho dữ liệu nhằm phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản của tỉnh; Thiết lập hệ thống, vận hành mạng lưới thu thập thông tin, dữ liệu nông nghiệp từ cấp xã đến cấp huyện về trung tâm dữ liệu tập trung của Sở Nông nghiệp & PTNT để kết nối liên thông với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thường xuyên cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình thị trường nông sản phục vụ phân tích, dự báo, đảm bảo tính thống nhất, chính xác và kịp thời cho cơ quản quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân cùng sử dụng; Phấn đấu trên 90% các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh được tiếp cận thông tin phân tích và dự báo tình hình thị trường qua nền tảng công nghệ số. 100% cán bộ tham gia mạng lưới cung cấp thông tin từ cấp tỉnh, huyện, xã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống.
Định hướng đến 2030: Ứng dụng có hiệu quả các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật...) trong thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và hợp tác xã có thể tìm kiếm, khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản trên môi trường mạng Internet hoặc cổng cung cấp dữ liệu mở của ngành nông nghiệp tỉnh; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích và dự báo thị trường nông sản; Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin đầy đủ, đồng bộ từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh; phù hợp với nền tảng số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, triển khai; Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Sở và các địa phương trong việc huy động các nguồn lực xã hội trên địa bàn để thực hiện Kế hoạch.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam sẽ tập trung vào các phần việc như: Hoàn thiện các quy định, hướng dẫn hoạt động, hình thành mạng lưới thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; Rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, thu thập thông tin theo thẩm quyền; tuyên truyền, tập huấn văn bản quy định, hướng dẫn hoạt động thu thập thông tin và dự báo tình hình thị trường nông sản; Tham mưu, đề xuất ban hành văn bản chỉ đạo kiện toàn hệ thống thu thập, xử lý, chuyển đổi, lưu trữ hệ thống phân tích dữ liệu ngành nông nghiệp, dự báo tình hình thị trường nông sản trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo không tăng đầu mối, biên chế; sử dụng bộ máy, nhân sự hiện có thuộc lĩnh vực đã phân công; Ban hành văn bản hướng dẫn, quy trình vận hành thu thập thông tin, phân tích, dự báo thị trường nông sản theo nhóm thông tin gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ cấp cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành cũng triển khai đánh giá, nâng cấp hạ tầng, công nghệ phục vụ thu thập thông tin và dự báo tình hình thị trường nông sản. Cụ thể: Rà soát, đánh giá hệ thống hạ tầng, trang thiết bị, máy chủ, thiết bị lưu trữ, đường truyền dẫn. Nâng cấp, lồng ghép, kế thừa, khai thác hiệu quả tài nguyên, hạ tầng sẵn có và hạ tầng được đầu tư theo các chương trình, đề án, dự án liên quan về công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đáp ứng yêu cầu tích hợp, kết nối, chia sẻ phục vụ việc thu thập và lưu trữ thông tin, dữ liệu về phân tích và dự báo thị trường nông sản; Tham gia phối hợp chuẩn hóa, số hóa nguồn dữ liệu của ngành nông nông nghiệp của tỉnh và tích hợp dữ liệu thông tin dự báo thị trường nông sản với cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn). Kết nối dữ liệu với các sở ngành, địa phương để chia sẻ dữ liệu cùng khai thác và sử dụng.
Đối với nhiệm vụ “Thu thập thông tin dữ liệu", ngành sẽ ttham gia phối hợp với các Cơ quan có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ thu thập thông tin, dữ liệu về sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Ứng dụng công nghệ thông minh trong các công đoạn điều tra cơ bản, thu thập số liệu định kỳ của Ngành nông nghiệp. Xây dựng và vận hành các công cụ tiện ích, phần mềm cài đặt trên nền tảng thiết bị số để thu thập thông tin giá cả nông sản. Các biểu mẫu thông tin cần thu thập bao gồm:
Dữ liệu về vùng nuôi trồng cho từng chủng loại nông sản: Quy mô, địa điểm sản xuất: Tên sản phẩm, diện tích sản xuất, năng suất, sản lượng, thời điểm thu hoạch, địa điểm...; Các tiêu chuẩn sản xuất (tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP,..); Dữ liệu về sơ chế, chế biến sản phẩm: Thông tin công suất, sản lượng, công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm,...; Dữ liệu tổng hợp: Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích, sản lượng của mỗi loại nông sản trong một khoảng thời gian nhất định; sản lượng cung ứng từng mặt hàng nông sản của các tỉnh lân cận và nhập khẩu; thông tin sản lượng nông sản tồn kho; thông tin nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh; thông tin về số lượng và giá tiêu dùng tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng,...; Thông tin biến động giá nông sản: Giá nơi sản xuất (giá bán của người sản xuất sau khi thu hoạch, sản phẩm được bán trực tiếp cho thương lái thu gom); giá bán buôn (giá bán của các thương lái/đại lý cho người bán lẻ); giá bán lẻ (giá bán của siêu thị, người bán hàng ở các chợ dân sinh, cửa hàng thực phẩm an toàn); giá vật tư nguyên liệu đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn gia súc, máy móc, thiết bị, giống, xăng dầu, điện, nước,..); Thông tin dự báo thị trường nông sản: Dự báo các số liệu cụ thể về sự tăng/giảm của cung, cầu, giá cả của các sản phẩm nông sản, dự báo ngắn hạn, dự báo dài hạn. Dự báo về diện tích, sản lượng cây trồng trước mỗi mùa vụ; dự báo về nhu cầu xuất khẩu; dự báo về nhu cầu tiêu dùng trong nước; dự báo về nhu cầu chế biến; dự báo mức nhập khẩu... Và, các thông tin liên quan khác: Thông tin về thị hiếu tiêu dùng của các thị trường trong nước và quốc tế; thông tin về hội nhập, thực hiện các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước; thông tin về các quy định mới, các rào cản, tiêu chuẩn, kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu.
Đối với nhiệm vụ “Cung cấp thông tin phân tích, dự báo" sẽ phối hợp phân loại, cung cấp thông tin phân tích, dự báo phù hợp tới các đối tượng sử dụng, đúng quy định của pháp luật; ứng dụng công nghệ số, đa nền tảng trong cung cấp, truyền tải thông tin, đảm bảo yêu cầu thống nhất, chính xác, kịp thời; Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al), dữ liệu lớn (Bigdata) trong dự báo biến động về cung cầu, giá cả vật tư, sản phẩm nông nghiệp.
PV