- Tuần này, sự kiện gây chú ý nhất của lĩnh vực giáo dục là những bất đồng giữa Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về việc dự kiến dạy tích hợp môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.
Ở đây, tôi không bênh vực cho bên nào vì thấy rằng tích hợp hay không tích hợp không quan trọng cho bằng cách chúng ta tư duy về môn sử và cách giảng dạy môn học này trong trường phổ thông.
Cách quan niệm và cách giảng dạy “truyền thống” lâu nay rõ ràng là nguyên nhân của hiện tượng học sinh chán sử.
Nếu không thay đổi thì dù có tích hợp hay để độc lập, các học sinh vẫn tiếp tục chán, mà khi các em đã chán thì có ép buộc (ép học, ép thi), các em cũng chẳng thể yêu dân tộc, yêu tổ quốc hơn. Bởi lẽ một tình yêu thực sự và sâu sắc phải bắt nguồn từ sự tự nguyện, tự do đến với nhau vì một sự hấp dẫn nào đó từ đối phương hay đối tượng chứ không phải là kết quả của một sự cưỡng ép.
Học sinh thảo luận trước một buổi học Lịch sử. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Cách giảng dạy một chiều và áp đặt
Tôi đã có dịp tìm hiểu và quan sát một số tiết sử trong một trường tiểu học tại Việt Nam thì thấy rằng việc giảng dạy môn này trong trường học ở ta đơn thuần chỉ là việc chuyển tải một chiều một khối lượng kiến thức mang tính chính trị xã hội được soạn sẵn trong sách giáo khoa cho học sinh, yêu cầu học sinh học thuộc những ý chính với những sự kiện, những ngày tháng, những con số, những ý nghĩa để đi thi, khá hơn nữa là làm cho các em tin tưởng, yêu mến những gì được học.
Hình thức truyền thụ như vậy tựa như việc giảng dạy các “tín điều ” trong một tôn giáo chứ không phải là việc giảng dạy môn sử với tư cách là một khoa học.
Có khác chăng, các tín điều thì thuộc về tôn giáo, và việc chuyển tải chúng là nhằm nuôi dưỡng đức tin, phát triển đời sống tâm linh cho người học; còn việc giảng dạy môn sử một chiều như lâu nay thì hình như chẳng vì sự phát triển bất kỳ thứ gì nơi học sinh, mà chủ yếu là để phục vụ ý chí của người lớn.
Lẽ ra nhiệm vụ của việc giảng dạy môn sử là làm hình thành và phát triển nơi học sinh tư duy sử học, trang bị cho các em các tri thức, kỹ năng và các phương pháp sử học để các em có thể hiểu, đọc được các sự kiện lịch sử trong bối cảnh xã hội của chúng, thẩm định được các sử liệu, hiểu được các góc nhìn khác nhau về cùng một sự kiện lịch sử…
Tôi xin lấy một vài ví dụ về việc giảng dạy môn sử tại những nước phát triển để minh họa cho những điều nói trên.
Tại Phần Lan
Trong “Chương trình khung quốc gia” dành cho giáo dục cơ bản của họ, phần nói về mục tiêu, nhiệm vụ của việc giảng dạy môn học này dành cho học sinh lớp 5 và 6 (cuối cấp tiểu học), theo đó học xong lớp 6, học sinh phải:
• Biết cách phân biệt đâu là sự vật / sự việc, đâu là ý kiến, góc nhìn cá nhân;
• Biết cách phân biệt đâu là nguồn dữ liệu / đâu là sự phân tích giải thích đối với nguồn dữ liệu đó.
Học sinh hiểu về sự kiện lịch sử, theo đó có thể:
• Hiểu lịch sử có thể được chia thành nhiều giai đoạn; các em có thể nêu lên những đặc điểm / đặc trưng của các xã hội qua các thời kỳ;
• Nhận biết diễn tiến của các sự kiện lịch sử từ thời kỳ này sang thời kỳ khác và hiểu rằng sự thay đổi đó không giống như sự tiến bộ, và cũng không như nhau xét trên quan điểm của những người / nhóm người khác nhau ;
• Biết cách đặt mình vào vị trí của những tiền nhân trong quá khứ : các em biết cách giải thích tại sao con người ở những giai đoạn khác nhau lại suy nghĩ và hành động theo những cách khác nhau, và biết được tầm quan trọng của mối quan hệ nhân – quả.
Học sinh cũng ứng dụng kiến thức lịch sử, theo đó có thể:
• Biết cách trình bày một vấn đề lịch sử với sự cân nhắc suy xét đầy đủ, để từ đó có thể giải thích sự kiện hoặc hiện tượng đứng trên góc nhìn của một số bên liên quan ;
• Hiểu rằng một số sự vật / sự việc có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau; và các em đủ khả năng để giải thích tại sao lại như vậy.
Nghĩa là nhiệm vụ của việc giảng dạy môn sử là trang bị cho các em tư duy, các kỹ năng và các phương pháp của một nhà sử học (tuy ở đây mới chỉ là học sinh tiểu học), chứ không chỉ là truyền thụ một số kiến thức có sẵn mà cả thầy và trò không cần biết những điều đó đến từ đâu, có phải thực sự là kiến thức sử học hay không như ở ta.
Tại Pháp
Người Pháp cũng có tư duy và cách thức giảng dạy môn sử tương tự như người Phần Lan. Tôi xin lấy một bài học trong chương trình lớp 4 mà con trai tôi đang học như một ví dụ cụ thể khác.
Bài học lịch sử đầu tiên trong chương trình lớp 4 có tựa đề là "Thời tiền sử và công việc của các nhà khảo cổ". Tài liệu học tập trước hết đưa ra một hình ảnh với lời chú giải "Các nhà khảo cổ đã tìm ra dụng cụ này và công dụng của nó. Họ cho rằng đây là dụng cụ dùng để bắn tên". Ngay bên dưới phần chú thích là các câu hỏi bài tập dành cho học sinh:
1) Hãy quan sát vật thể và suy nghĩ về cách thức sử dụng nó ; 2) Theo ý em, dụng cụ này phục vụ điều gì ? 3) Điều này cho chúng ta biết điều gì về con người trong thời tiền sử ?
Các học sinh suy nghĩ, tưởng tượng và trả lời theo ý mình, tôi không thấy những đáp án có sẵn bắt các em học thuộc.
Các phần kế tiếp của bài học cũng theo cách thức đó.
Đọc các bài học này, chúng ta có thể hiểu, mục tiêu của việc dạy sử là giúp phát triển tư duy sử học nơi học sinh, giúp các em có kiến thức và các kỹ năng của sử học, hiểu biết các công việc của các nhà nghiên cứu, biết đọc các sự kiện lịch sử trong thời gian và không gian của chúng chứ không phải học thuộc lòng các bài học một cách thụ động.
Trả lại vị trí khoa học
Trở lại với môn sử đang tranh cãi ở ta, theo tôi, việc cần nhất hiện nay là hãy trả lại cho môn sử vị trí khoa học của nó, khi môn sử được giảng dạy một cách khoa học, nó sẽ có sức hấp dẫn riêng, đem lại lợi ích cho các học sinh.
Những tranh cãi hiện nay suy cho cùng cũng chỉ là những tranh cãi xung quanh việc làm sao để áp đặt trên trẻ nhỏ một cách hiệu quả, chứ không phải là những tranh luận làm sao để đem lại lợi ích cho học sinh thông qua việc giảng dạy, làm sao để học sinh có thể yêu mến môn sử.
Sự áp đặt một chiều quá đáng được nhà xã hội học Pháp Pierre Bourdieu cho là một hình thức "bạo lực văn hóa", "bạo lực biểu trưng". Dùng bạo lực để cưỡng bức các em tin và yêu những điều người lớn nghĩ quả là một sự bất công cho các em nhỏ!
- Nguyễn Khánh Trung (Viện IRED)