Hiện nay, với chính sách mở cửa và hội nhập, tỷ lệ người Việt Nam sang sinh sống, làm việc tại các nước trên thế giới khá đông. Người nước ngoài cũng đến Việt Nam để lập nghiệp và nhiều người nước ngoài kết hôn với người Việt nên ngày càng có nhiều gia đình đa văn hóa.

Vì vậy, vấn đề được quan tâm là nuôi dạy trẻ trong môi trường đa ngôn ngữ ra sao để con không bị mai một tiếng mẹ đẻ? Liệu đứa trẻ sinh ra trong gia đình đa văn hóa có sử dụng tốt tiếng Việt hay không? 

Chị Trung Anh (Hà Nội) kết hôn với anh David Dunbar đến từ Vương quốc Anh, hai vợ chồng có 1 bé gái 4 tuổi. Gia đình chị hiện sinh sống ở Việt Nam nhưng dự định vài năm nữa sẽ về quê chồng. Cô bé 4 tuổi có thể nói song song ngôn ngữ Anh – Việt thành thạo.

449504307_491995606716885_3411079587871983675_n.jpg
Gia đình chị Trung Anh.

Người phụ nữ này khẳng định, những em bé trong các gia đình đa văn hóa hoàn toàn có thể nói tốt song ngữ nếu bố mẹ có phương pháp đúng đắn. Chị cho biết lý do khiến mình chưa đưa con về Anh sớm là mong muốn ở giai đoạn tập nói, con có thể tiếp xúc, nói chuyện bằng tiếng Việt nhiều nhất có thể, để sau này khi con về quê bố, con tiếp xúc với môi trường bản địa vẫn không quên được tiếng Việt. 

Theo chị Trung Anh, gia đình chị áp dụng phương pháp bố sẽ nói tiếng Anh, bà ngoại nói tiếng Việt, còn chị sẽ nói tiếng Việt khi ở cùng mọi người và nói tiếng Anh khi đi riêng với 2 bố con. Ngoài ra, chị cho bé tiếp xúc với họ hàng ở Việt Nam và đọc cho con các tác phẩm văn học Việt Nam nên bé có vốn tiếng Việt khá phong phú.

“Tôi nghĩ cách phân chia như này rất hiệu quả để trẻ em tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên, nhẹ nhàng nhất và có thể áp dụng được trong bất cứ gia đình có bố mẹ là người Việt, nếu 1 trong 2 người biết nói tiếng Anh. Vì trẻ em có cơ chế học ngôn ngữ khác với người lớn”, chị Trung Anh chia sẻ.

Một thời gian nữa, khi cả gia đình quay về quê chồng, chị Trung Anh khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp như vậy; đồng thời duy trì cho con video call với người nhà ở Việt Nam.

Bên cạnh dạy song ngữ cho con, chị Trung Anh cũng chú trọng dạy con về văn hóa của 2 quốc gia Việt Nam và Anh. Do đang sinh sống ở Việt Nam nên bé nắm khá rõ các dịp lễ, Tết truyền thống. Với văn hóa Anh, chị tranh thủ khi cả nhà về Anh chơi sẽ giới thiệu cho con. Nếu chưa có điều kiện về thì chị dạy con thông qua các ngày lễ như Giáng sinh, Halloween. Các dịp lễ này, chị sẽ tổ chức thật tươm tất và đúng truyền thống.

“Bé nhà mình có 1 nửa dòng máu Việt Nam, mình luôn mong con sẽ tự hào về điều đó, yêu nơi mẹ sinh ra và lớn lên. Dù con có đi muôn phương thì Việt Nam sẽ là trái tim, là tình cảm con hướng về”, chị Trung Anh chia sẻ.

Hiện đang sinh sống ở Hàn Quốc, hai em bé của chị Nguyễn Xuân cũng là con lai Việt – Hàn. Với điều kiện sinh hoạt, học tập chủ yếu là người Hàn Quốc nên các con chị chủ yếu nói tiếng Hàn.

Tuy nhiên, với mong muốn con có thể nói tốt tiếng mẹ đẻ, chị thường xuyên cho con giao lưu với bạn bè người Việt, gặp gỡ các gia đình Việt Nam và giao tiếp với con hàng ngày bằng tiếng Việt. Những quyển truyện cổ tích, chương trình ca nhạc tiếng Việt là “bạn” đồng hành với các bé. Nhờ đó, khi gặp người nói tiếng Việt, các bé dễ dàng chuyển ngôn ngữ một cách tự nhiên và thành thạo.

Chị Elena Tiên lấy chồng Thụy Điển. Chị tâm sự, do công việc bận rộn nên từ lúc sinh đến khi con 6 tuổi, chị không có thời gian dạy con nói tiếng Việt. Bé chỉ biết nói tiếng bản địa. Bà ngoại sang chơi, thăm cháu, mỗi lần hai bà cháu nói chuyện, chị phải ngồi phiên dịch. Vì bất đồng ngôn ngữ, tình cảm hai bà cháu ít có cơ hội được bồi đắp, điều đó khiến mẹ chị rất buồn và tủi thân, cháu lại càng xa cách bà. Mỗi lần về Việt Nam, cô bé cũng không thể trò chuyện cùng các anh chị em họ.

Chị Elena Tiên thừa nhận, đó là một thiếu sót khi bản thân không dạy con nói tiếng mẹ đẻ từ nhỏ. Chính vì vậy, mỗi ngày chị dành 2 tiếng kèm con nói tiếng Việt, chồng chị giao tiếp hoàn toàn tiếng Thụy Điển với con. Ban đầu là từ vựng về chào hỏi, về thức ăn, đồ chơi, quần áo… dần dần chị mở rộng ra là từ đôi, câu ngắn, câu dài.

Mỗi tối trước khi đi ngủ, chị đọc truyện tiếng Việt. Những mẩu chuyện tiếng Việt ngắn, đọc đến đâu con không hiểu, chị dùng tiếng Thụy Điển để giảng giải nghĩa. Khi con đã hiểu được câu dài, chị dùng tiếng Việt để giải thích các từ vựng mới.

Sau đó chị tìm một lớp học tiếng Việt trực tuyến, đăng ký và động viên con tham gia. Sách báo, vở viết tiếng Việt cũng được bà ngoại gửi sang. Cứ thế, mỗi ngày, con tích lũy một chút. Sau 2 năm, con gái chị Elena Tiên đã nói tốt tiếng Việt và viết được đoạn văn ngắn.

“Khi con video call cho bà ngoại ở Việt Nam, con có thể kể cho bà ngoại chuyện ở trường, chuyện hàng ngày bằng câu trả lời ngắn, cảm xúc của tôi lâng lâng. Hôm nào, con cũng líu lo, muốn nói chuyện với bà. Cũng nhờ đó, con hiểu về Việt Nam hơn, thích văn hóa quê mẹ. Trong một bài thuyết trình ở trường, con còn giới thiệu về ẩm thực 3 miền của Việt Nam. Tôi nghĩ dạy con tiếng Việt không khó, chỉ cần bố mẹ kiên trì, đồng hành", chị Elena Tiên nói.