Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, nghị quyết số 26 TƯ về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là văn kiện rất quan trọng với nhiều nội dung đổi mới, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì hội thảo |
Ngay sau khi TƯ ban hành nghị quyết, Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Chính phủ ban hành các văn bản triển khai thi hành.
Tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn, cung cấp luận cứ khoa học tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tổ chức cán bộ nói chung; về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng.
Công khai, cạnh tranh lành mạnh
PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập tạp chí Cộng sản dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, và nhấn mạnh: “Cán bộ cấp chiến lược là gốc của gốc”.
Ông cho rằng, muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thì công tác cán bộ phải công khai, minh bạch. “Công khai từ đầu vào đến đầu ra và phải cạnh tranh lành mạnh”.
Đồng thời, phải phát huy dân chủ hơn nữa trong Đảng và xã hội để nhân dân giám sát; phải khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kỷ luật cả những người làm công tác tổ chức cán bộ nếu cán bộ đó vi phạm pháp luật như một số cán bộ trong thời gian vừa qua.
“Hơn hết, mỗi cán bộ đều phải tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, năng lực, nếu không tu dưỡng, rèn luyện thì tất cả đều là vô nghĩa”, ông nhấn mạnh.
PGS.TS Vũ Văn Phúc: Chú trọng năng lực tự vươn lên qua thực tiễn của cán bộ |
PGS đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ tiêu chí định lượng các đặc trưng định tính của cán bộ để cất nhắc, đề bạt theo hướng coi trọng thực chất, không rơi vào chủ nghĩa hình thức thiên về bằng cấp, tuổi tác…
Đặc biệt, chú trọng năng lực tự vươn lên qua thực tiễn của cán bộ và dự báo phát triển hơn nữa của cán bộ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm.
GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng đề nghị quy định tiêu chuẩn cán bộ cấp chiến lược bằng “công thức” trong thời đại công nghệ 4.0 là phải nhìn vào bản chất, tố chất con người.
“Đó là có sức khỏe tốt, có tầm nhìn, có trái tim nhân hậu; có bộ óc tốt, có kỹ năng sống tốt, có ngoại ngữ và công nghệ thông tin tốt”, GS Nhung nhấn mạnh.
Theo ông, sức khỏe dẻo dai ở mức cao sẽ chịu được sức ép từ mọi phía. Do đó, khi triển khai thực hiện nghị quyết số 26 phải có quy định cụ thể về sức khỏe để đủ sức làm việc và cống hiến hiệu quả, lâu dài. Bởi vì, “không thể có trí tuệ minh mẫn trên một cơ thể ốm yếu”.
GS Nhung nhấn mạnh đến vai trò và tầm cỡ quốc gia, quốc tế: “Họ cần phải có những năng lực và phẩm chất làm việc, lãnh đạo ở quy mô sâu rộng trong thời đại toàn cầu hóa, để xây dựng, phát triển bền vững và hợp tác, đấu tranh hiệu quả bảo vệ đất nước”.
Xây dựng cơ chế bảo vệ người dám làm, dám chịu
TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, “một người lo bằng kho người làm”, đó là đội ngũ tinh hoa của đất nước, là cán bộ cấp chiến lược, có vị trí ra quyết định và kiểm soát.
Tuy nhiên, ông lưu ý, hiện nay chưa có chế độ chính sách và cách ứng xử phù hợp đối với đội ngũ này.
Ông đề nghị phải xác định ai là cán bộ cấp chiến lược và cần có chính sách đặc biệt cho đội ngũ này. Đồng thời, phải xác định được ai là người chịu trách nhiệm đối với đội ngũ này, không thể nói trách nhiệm chung chung.
Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn: Thực hiện luân chuyển để thử tài cán bộ |
Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đề nghị nghiên cứu khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ hiện nay.
“Thực hiện luân chuyển để thử tài cán bộ, phải đưa cán bộ thử sức với nhiệm vụ khó để đánh giá năng lực thực tài”, nguyên Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, ông cũng lưu ý, quy trình làm công tác cán bộ đã có nhiều bước và rất rõ nhưng chưa kết hợp được nguyên tắc tập trung và dân chủ.
“Cần xây dựng cơ chế bảo vệ người dám làm, dám chịu, khách quan, công bằng”, ông Tuấn nhấn mạnh nếu làm tốt những việc này thì không có chỗ cho người không đủ điều kiện vào bộ máy.
TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của QH quan tâm đến việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, trước tiên phải kiểm soát xung đột lợi ích.
Ngoài ra phải xác định rõ trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, lãnh đạo, quản lý; phải kiểm soát quyền lực thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiểm tra, tự kiểm tra.
“Phải kiểm soát quyền lực qua việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; bảo đảm dân chủ thực chất trong quản lý nhà nước, công tác cán bộ để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả”, ông Quyền nhấn mạnh.
Thu Hằng
Cán bộ cấp chiến lược phải có sức đề kháng vượt lên cám dỗ
VietNamNet trò chuyện với PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng TƯ, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.