Hai câu thơ đó nói lên rằng, bất cứ ai, có lẽ đều có một ai đó thầm thương trộm nhớ, rồi yêu thương và trải qua đủ các cung bậc của tình yêu: ghen, giận, da diết, rồi cả chia tay trong nước mắt… Có người nói, tình yêu là vấn đề muôn thuở của con người là vì vậy.

Lớn lên ai cũng sẽ yêu và yêu thì có bao nhiêu chuyện để khiến con người phải buồn, vui, xử lý. Tuy nhiên, có lẽ, chưa bao giờ mà chuyện yêu trở thành câu chuyện thời sự như hôm nay: không phải vì tình yêu đẹp được ngợi ca mà là bao nhiêu hệ lụy xoay quanh nó.

Như là, học trò yêu sớm và tình yêu học trò bây giờ cũng không còn thuần khiết, trắng trong trọn vẹn như 'thời ông bà mình' vì con số thống kê mới đây, có tới 39% học sinh THPT có quan hệ tình dục (theo kết quả nghiên cứu của một nhóm giảng viên ở Hà Nội).

{keywords}
Ảnh: Thảo Nguyên.

Tuổi trẻ còn non nớt trong các kỹ năng kể cả an toàn tình dục (bằng chứng là ngại ngần khi nói về) nhưng lại có hành vi đó, do vậy mà chuyện ảnh hưởng tâm lý, có thai ngoài ý muốn, phá thai ở tuổi này cũng là điều báo động, quan ngại. Khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ mà phá thai hoặc uống thuốc tránh thai thì còn dẫn tới những hệ lụy về sau như vô sinh… đã được bác sĩ lưu ý nhiều nhưng gần như vẫn còn bỏ ngỏ đâu đó phía ngoài cánh cửa nhà trường.

Đó cũng có thể xem là sống vội trong giới trẻ học trò, bên cạnh cái vội của người trẻ trưởng thành khác khi khoảng cách giữa người với người rút ngắn trong tầm tay: dễ dàng liên hệ, nhắn tin qua mạng xã hội, chỉ cần có điện thoại thông minh. Mà thời nay, ai không có một điện thoại thông minh?

Vì thế mà yêu qua mạng, hẹn đi khách sạn, dễ dàng trao thân dẫn tới những tổn thương tinh thần hay vô cảm trong tình yêu cũng là điều dễ hiểu. Theo đó, tới một lúc, con người nhất là nữ giới ngại yêu, hỏi sao thì nói tình yêu mong manh thế này thế nọ. Nhưng tại sao có những tình yêu đẹp và bền khiến bao người ngưỡng mộ, nhất là những mối tình xưa, của những người thế hệ trước? Vậy mong manh trong cái nhìn của người ấy do đâu?

Nhiều người lớn tuổi kể, hồi xưa yêu nhau, viết thư, chờ thư nhiều khi cả tháng mới tới, rồi tháng sau nữa mới có lá nữa mà hạnh phúc, thủy chung, mà trọn vẹn đến nơi đến chốn. Còn giờ, nhìn con số ly hôn sẽ thấy, gắn kết giữa những người yêu nhau, ngay cả khi đã về chung nhà rồi cũng không còn được như trước. Lý do là gì? Phải chăng vì người trẻ ít tính xây dựng và thừa ý nghĩ tự do, luôn muốn phá vỡ liên kết (và cả cam kết) chỉ vì những chuyện vụn vặt thường ngày?

Tất nhiên, không ai chấp nhận một sự chịu đựng để giữ hình thức một cuộc hôn nhân nhưng dễ dàng chia tay và dễ dàng yêu một người nữa có thể là một hệ lụy không hay trong lối sống vội vàng, nhân danh tự do, tôn trọng cá nhân… Mà hệ quả rõ nhất là chai sạn xúc cảm, sợ yêu, sợ lập gia đình vì không tin vào tính bền vững của nó.

Làm sao để có một tình yêu bền? Câu hỏi cần được xem như một bài học kỹ năng để người trẻ lớn lên không chênh vênh bước vào đường tình. Cần những câu chuyện đẹp về tình yêu với nghĩa cử thương yêu, trân trọng, hi sinh cho nhau lan tỏa; cần bớt lại những câu chuyện yêu đương nham nhở trên nhiều trang mạng khiến người người tò mò đọc để tăng view và kèm theo đó là tăng sự mất niềm tin vào cuộc sống, tình yêu, để rồi dễ dàng buông tay với việc sống đẹp, không còn nỗ lực để yêu có chất liệu của hiểu, thương, trân trọng.

Làm sao để giảm bớt chuyện cuồng yêu, rồi ra tay sát hại người yêu - đưa tới kết cuộc người chết, kẻ vào tù (thậm chí cũng chết theo do tự tử hoặc bị trừng trị bởi luật pháp)? Đây cũng là một kỹ năng cần được giáo dưỡng từ chính những câu chuyện sống đẹp, tử tế hàng ngày nơi trường lớp, gia đình cùng những trang báo.

Tình yêu có ích kỷ, có chiếm hữu nhưng tuyệt đối nó không thể là cái cớ để biến con người thành bạo lực và hành xử một cách tàn ác. Không ai chấp nhận lý do 'vì yêu' - được hung thủ đem ra biện minh cho hành động giết người, tạt axit hủy hoại mạng sống, dung nhan người khác! Nhưng từ đây, có thể nhận ra, ẩn đằng sau lý do được biện minh đó chính là sự hiểu biết sai lầm về tình yêu, thiếu kỹ năng yêu thương cũng như xử lý tình huống bất như ý trong khi yêu một ai đó (như khi bị từ chối, bị chia tay).

Thực ra, khi ai đó từ chối hay chia tay, nếu người thực sự biết cách yêu thương và yêu thương chân thành người kia thì sẽ nhìn lại chính mình, sẽ chấp nhận 'thiệt thòi' về mình hơn là đoạt mạng hay nghĩ cách trả thù.

Bên cạnh đó, có một điều nữa chính là khi gặp những lý do chính đáng, buộc lòng phải chia tay thì việc khéo léo nói 'thôi', nói 'dừng' cũng cần được trang bị, để tránh gây sốc cho người kia. Khi họ là nguyên nhân đưa tới chia tay nhưng ta nói một cách thiếu tế nhị, động chạm tự ái thì họ dễ nhân danh lòng tự trọng để làm bậy, tán tận lương tâm.

Tất nhiên, suy nghĩ đẹp, hành xử đúng phải được hình thành từ cả quá trình dài, bằng trái tim rộng mở và tâm hồn cao thượng. Đừng đồng nhất tình yêu với mạng sống của mình, cũng đừng đồng nhất mạng sống người yêu với mối quan hệ yêu đương giữa mình và họ để khi họ rời đi (vì lý do gì) chúng ta cũng không tự tước đi sự sống của mình cũng như sự sống của họ và rơi vào lao lý.

Mất tình yêu chưa hẳn sẽ mất hết nhưng khi hành động dại dột vì mất tình yêu bạn sẽ mất hết tất cả! Cũng đừng quên, sống với nhau mới quý chứ chết cùng nhau thì quá dễ dàng, chỉ cần trong lòng mình nhen cái ác, dưỡng nuôi sự ích kỷ…

Nữ điều dưỡng sốc khi chồng ngoại tình

Nữ điều dưỡng sốc khi chồng ngoại tình

 Bảo vệ luận văn thạc sĩ bác sĩ xong, anh thú nhận chuyện ngoại tình rồi mang quần áo bỏ đi, chẳng quan tâm, hỏi thăm vợ con như trước.

Lưu Đình Long