- "Mong Chính phủ sớm tạo ra các vành đai kinh tế vững chắc tại các vùng biển đảo để dân có điều kiện thể hiện lòng yêu nước bằng cách bám biển, từ đó góp sức giữ được chủ quyền biển đảo", ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nêu ý kiến tại phiên thảo luận chiều nay (5/8) về kinh tế - xã hội.

Tại phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp này, hầu hết các ĐBQH đều phản ánh những bức xúc của người dân về lạm phát, đời sống khó khăn.

Giữ chủ quyền: Để dân bám biển

Đại diện cho cử tri Khánh Hòa, ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân xoáy vào phân tích giải pháp của Chính phủ về các hành động cần thiết nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình phức tạp, căng thẳng hiện nay.

ĐB Nguyễn Tấn Tuân: Đề nghị Chính phủ nêu rõ giải pháp phát triển kinh tế các vùng biển đảo

Theo ĐB Nguyễn Tấn Tuân, đây là một tư tưởng đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, để một mặt vừa phát triển kinh tế, mặt khác bảo đảm ổn định xã hội và giữ vững được chủ quyền quốc gia.

Thời gian qua, người dân Khánh Hòa và cử tri cả nước rất bức xúc trước tình trạng ngư dân bị xua đuổi, bắt bớ. Trung Quốc có nhiều hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Hoan nghênh Chính phủ kịp thời báo cáo Quốc hội và xác định quan điểm phải giữ vững an ninh quốc phòng, ĐB Tuân đề nghị Chính phủ nêu rõ giải pháp phát triển kinh tế các vùng biển đảo. Đây là giải pháp lâu dài để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Ông phân tích, nếu Chính phủ tạo ra được các vành đai kinh tế vững chắc tại các vùng biển đảo thì người dân sẽ có điều kiện thể hiện lòng yêu nước bằng cách bám biển, từ đó góp sức giữ được chủ quyền biển đảo.

Chủ trương đã có, điều mà người dân trông đợi, đó là Chính phủ có những hành động cụ thể.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Tuân, người dân rất có nguyện vọng được thể hiện tình yêu nước bằng những việc làm thiết thực. Tất cả những hành động vừa qua dù là tự phát hay tự giác, theo ông Tuân, đều chỉ để bày tỏ tinh thần yêu nước.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Chính phủ phải có bàn tay sạch
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng cho rằng, trước diễn biến phức tạp vừa qua, Chính phủ đã nêu ra một bản báo cáo hoành tráng trước Quốc hội và chủ động đưa ra biện pháp ứng phó. Điều người dân chờ đợi giờ đây là những kết quả cụ thể hơn - giữ vững được chủ quyền.

Làm thủy điện không được vượt rào

Liên quan đến vấn đề nóng thời gian qua là các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ nên tiếp tục thận trọng với các dự án hủy hoại môi trường.

Theo ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), mặc dù thủy điện cung cấp tới 60% sản lượng trong lưới điện quốc gia, nhưng phải cân nhắc giữa được và mất.

Quá trình xây dựng các dự án vừa qua hình như đã vượt rào vì chiếm dụng diện tích đất rừng rất lớn. Đặc biệt, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã xâm phạm vào diện tích vườn quốc gia Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyển được thế giới công nhận.

Ông Vở cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc dự án này. Lập hội đồng thẩm định cấp nhà nước và báo cáo Quốc hội để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

"Làm thủy điện nhưng không được phép vượt rào", ông Vở kiến nghị.

Ngoài ra, cả ĐB Trương Văn Vở và ĐB Nguyễn Bá Thuyền đều kiến nghị Chính phủ xem xét việc xây dựng, nâng cấp đường xá vận chuyển bô-xít. Tháng sau, nhà máy sẽ xây dựng xong, nhưng đường xá chưa được sửa chữa, nếu tiếp tục vận chuyển trên tuyến đường cũ sẽ gây ra tình trạng quá tải và tiềm ẩn nhiều hiểm họa tai nạn giao thông.

Ông Vở đề xuất, chừng nào Chính phủ chưa nâng cấp tuyến đường thì chưa nên tiến hành vận chuyển.

ĐB Nguyễn Thị Khá: Lao động không có bảo hiểm là tình trạng phổ biến ở nhiều khu công nghiệp
Ngoài những vấn đề nóng nêu trên, đa số ĐBQH đều tập trung phân tích câu chuyện lạm phát đánh vào nồi cơm người nghèo.

Ví dụ điển hình nhất là số vụ đình công đã tăng 150% so với cùng kỳ. Đời sống người lao động ngày càng đi xuống làm mất đi niềm tin của người dân vào tăng trưởng kinh tế.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) dẫn lại câu chuyện đau lòng về vụ hỏa hoạn ở Hải Phòng. Đa số lao động nữ không có bảo hiểm. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều khu công nghiệp, không riêng Hải Phòng.

Đánh giá Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhiều ĐBQH cho rằng, nên làm rõ tiêu chí cắt giảm các dự án đầu tư công. Một mặt, giãn và giảm dự án chưa cấp thiết nhưng mặt khác vẫn nên tập trung đầu tư cho các công trình dân sinh, nhất là về giao thông, y tế, giáo dục…

Sáng mai (6/8), các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội. Các vị tân bộ trưởng sẽ được mời để làm rõ thêm những vấn đề mà ĐBQH đặt ra trong nhiều ngày qua tại các phiên thảo luận tổ và hội trường.

                            Chính phủ phải có bàn tay sạch
"Dân muốn Chính phủ có trái tim nóng bỏng nhiệt huyết nhưng phải giữ được cái đầu lạnh và bàn tay sạch. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ phải quyết tâm chống được tham nhũng.
… Qua báo chí, tôi thấy các tân bộ trưởng đã đưa ra những lời hứa rất hay, cử tri mong những lời hứa này sẽ biến thành hành động cụ thể. Nếu không thực hiện được thì phải tuân thủ văn hóa từ chức".

 ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng


Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng


'Không để họ làm mình làm mẩy'
Thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu QH lo lắng việc DNNN "làm mình làm mẩy, cần huy động vốn thì báo lãi, cần tăng giá lại báo lỗ".
 
Đại biểu muốn được thông tin về Biển Đông
Biển Đông là vấn đề chủ quyền quốc gia, gắn với xương máu của nhân dân, sao thông tin lại chậm quá - ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) nói.