Seal của iPhone 14 có giá bán lẻ khoảng 50.000 đồng. Ảnh: Thúy Hạnh. |
Trên thị trường, nhiều lái buôn nhỏ lẻ và các cửa hàng kinh doanh iPhone dễ dàng "phù phép" những chiếc máy đã bị bóc seal (niêm phong) hộp thành máy mới chỉ với 20.000-50.000 đồng.
Với một mảnh seal iPhone 14 được dán vào hộp, lái buôn sẽ nâng giá máy cao hơn 1-2 triệu đồng so với máy không còn seal. Việc kiếm tiền dễ dàng này nhờ vào tâm lý thích mở máy mới, xé seal máy của người dùng.
Seal iPhone 14 giá rẻ
Trên mạng xã hội (MXH) và các trang thương mại điện tử (TMĐT) người dùng dễ dàng tìm mua seal iPhone 14 với mức giá bán lẻ khoảng 50.000 đồng/chiếc.
Chỉ cần thông qua vài bước nhắn tin, đặt hàng người dùng dễ dàng mua lẻ một chiếc seal mà không gặp khó khăn gì.
Người dùng dễ dàng mua lẻ một seal hộp iPhone 14 trên chợ mạng. Ảnh: Thúy Hạnh. |
Anh M.T. (quận Gò Vấp, TP.HCM), chia sẻ trong chuyến sang Singapore du lịch với vợ. Anh và vợ đã xách tay về được 2 máy iPhone 14 series. Khi qua hải quan sân bay, anh đã phải bóc seal hộp.
Vì muốn bán được giá cao nên anh M.T. tìm đến các sàn TMĐT tìm mua seal về dán lại vào hộp.
"Nếu máy không có seal sẽ bị mất giá khoảng 1-2 triệu. Đã xách tay lẻ, mình muốn bán máy được với giá cao nhất nên đã tìm mua seal lẻ về để dán lại", anh M.T. tiết lộ.
Theo đánh giá của anh M.T, seal được mua trên chợ mạng có chất lượng khá tương đồng với hàng thật, dễ dàng sử dụng. Dù không có kinh nghiệm, anh chỉ cần bóc và căn theo mép dán là lại có thể được bóc seal thêm một lần nữa.
Chia sẻ với Zing, một lái buôn phụ kiện iPhone lâu năm cho biết trên thị trường seal iPhone 14 thường sẽ được nhập về từ Trung Quốc hoặc các đầu mối sẽ tự in dựa trên phôi có sẵn.
"Lượng seal lớn sẽ được bán trong hội kín, không được chia sẻ hay công khai", người này chia sẻ thêm.
Người này cũng tiết lộ, giá bán của mỗi seal dao động 20.000-30.000 đồng cho các mẫu iPhone 14. Có khá nhiều loại seal đang được bán trên thị trường. Chúng được phân chia giá thành dựa trên chất lượng mực in và độ hoàn thiện của các vết trên seal.
iPhone cần dán lại seal
Theo quy định của hải quan, mỗi người chỉ có thể xách tay một chiếc iPhone 14 khi về từ nước ngoài với nhu cầu sử dụng.
"iPhone phải được bóc seal và mang về dưới dạng máy người dùng khi qua cửa kiểm soát. Mỗi người cũng chỉ được mang tối đa 2 máy khi có hành khách đi cùng", nguồn tin của Zing tại Sân bay Tân Sơn Nhất cho biết.
Chính vì vậy, nhiều lái buôn nhỏ lẻ phải bóc seal hộp để dễ dàng mang qua hải quan. Việc này tạo điều kiện cho các đối tượng kinh doanh, phục vụ nhu cầu "biến hóa" một chiếc máy mới nhằm tăng giá bán.
Một chiếc iPhone nguyên seal sẽ có giá cao hơn. Ảnh: Thúy Hạnh. |
Ngoài ra, trên thị trường còn có nhiều cửa hàng kinh doanh bán các mẫu máy full box, nguyên seal dưới dạng kích hoạt trực tuyến (active online).
Máy active online này được chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là iPhone active online chuẩn. Những chiếc iPhone này khi được phân phối về các chuỗi bán lẻ quá lâu, không muốn bị bị đánh giá năng lực bán hàng kém, chuỗi bắt buộc phải kích hoạt máy thông qua iMei trên vỏ hộp.
Loại 2 là hàng đã qua sử dụng, có ngoại hình và dung lượng pin cao còn được gọi là hàng lướt. Các mẫu máy này sẽ được các cửa hàng bán lẻ đóng lại seal và bán dưới dạng active online.
Với danh nghĩa iPhone mới kích hoạt online, chưa qua sử dụng nhiều người dùng dễ lựa chọn các mẫu máy này.
Theo chia sẻ của anh Hữu Đông, chủ một cửa hàng kinh doanh iPhone tại Hà Nội, chiêu trò đóng lại seal máy đã qua sử dụng chỉ lừa được người dùng thiếu kinh nghiệm.
Anh này khẳng định chỉ cần thông qua một vài phần mềm kiểm tra, những người bán hàng lâu năm và người dùng có kinh nghiệm sẽ dễ dàng kiểm tra số lần máy đã cắm sạc.
"Chỉ có người mua bị lừa chứ người bán có nhiều chiêu trò lắm", anh Hữu Đông cho biết.
Việc các đối tượng mua bán seal iPhone không phải mới bắt đầu từ năm nay. Vào năm ngoái, khi iPhone 13 ra mắt với dạng seal giấy mới, các nhà kinh doanh phụ kiện đã có phôi in ấn.
(Theo Zing)