Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ VHTTDL giải trình, bổ sung, làm rõ một số nội dung của báo cáo. Cụ thể, đề nghị Bộ VHTTDL rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định mục tiêu của chương trình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, đảm bảo các mục tiêu có tính khả thi, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình.
Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ VHTTDL làm rõ cơ sở, phương pháp xác định tổng mức vốn đầu tư chương trình; rà soát, chỉnh sửa tổng vốn đầu tư chương trình theo hướng chia theo từng nguồn vốn, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn và từng nguồn vốn cụ thể, thống nhất tại các tài liệu.
“Báo cáo thẩm định của Bộ VHTTDL chỉ nêu chủ quan là các giải pháp phù hợp nhưng không đánh giá được sự phù hợp của giải pháp nêu trong báo cáo cũng như tính khả thi của giải pháp; chưa nêu được trách nhiệm của Bộ VHTTDL trong việc tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình”, công văn của Bộ KH&ĐT nêu.
Trước đó Bộ VHTTDL có văn bản xin ý kiến Bộ KH&ĐT trước khi trình Hội đồng thẩm định nhà nước cho ý kiến, tổng mức đầu tư cho chương trình được đưa ra là 350.000 tỷ đồng.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, để có thể đề xuất ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến nội dung chương trình với các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa; đánh giá tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các đề án, dự án giai đoạn trước để từ đó có cơ sở cho những chương trình tiếp theo, đề xuất các nội dung đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cào bằng.
Chương trình có tổng số 10 nội dung thành phần, chia thành 51 nhiệm vụ với 164 mục tiêu, 255 hoạt động cụ thể. 10 nội dung thành phần bao gồm: Phát triển văn hóa con người Việt Nam; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.
“Chương trình được triển khai từ năm 2025-2035, với dự kiến đầu tư khoảng 350.000 tỷ đồng. Xin nhấn mạnh đây là số liệu được tổng hợp từ đề xuất của 63 tỉnh/thành và các Bộ, ban, ngành cũng như các hội, hiệp hội, tổ chức có liên quan... Trong đó, 60% từ nguồn lực của ngân sách Trung ương, 20% nguồn lực của địa phương và 20% từ nguồn xã hội hóa khác. Chương trình cũng dự kiến sẽ được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn I từ năm 2025 -2030 và giai đoạn II từ năm 2031- 2035”, ông Đoàn Văn Việt khẳng định.
Ông Việt cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khi được ban hành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới. Đồng thời, chương trình nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hóa bền vững.