Bốn bị cáo có kháng cáo gồm: Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương), Lý Thanh Châu (cựu thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương) và Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu Kế toán trưởng, Tổng Công ty Bình Dương).

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Thanh Liêm với chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản Nhà nước tại Tổng Công ty Bình Dương. Dù biết rõ việc chuyển nhượng đất là trái quy định, nhưng bị cáo đã không có quyết định ngăn chặn mà vẫn tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng Công ty SX- XNK Bình Dương) thực hiện một loạt hành vi sai phạm về đất đai.

Tại phiên tòa phúc thẩm, cựu Chủ tịch Trần Thanh Liêm thừa nhận cáo trạng, nhận thức sai phạm. "Với chức trách nhiệm vụ của mình, bị cáo chưa làm hết nhiệm vụ của bản thân", ông Liêm khai.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, mức án 7 năm tù mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên với bị cáo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là cao nên xin giảm nhẹ hình phạt.

Chiều cùng ngày, đại diện VKS cấp phúc thẩm đưa ra quan điểm luận tội cho rằng, bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) biết rõ nội dung đề xuất áp đơn giá đất bình quân năm 2006 để thu tiền sử dụng đất theo các quy định giao đất năm 2012 và 2013 là trái quy định, nhưng vẫn ban hành công văn để thu tiền sử dụng đất của Tổng Công ty Bình Dương, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 716 tỉ đồng.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Dương đều biết việc bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng 43 ha “đất vàng” và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Các bị cáo Trần Văn Nam, Trần Thanh Liêm với trách nhiệm được giao là bảo vệ tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, các bị cáo biết rõ việc chuyển nhượng là trái quy định nhưng đã không có quyết định ngăn chặn mà vẫn tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Minh thực hiện một loạt hành vi sai phạm. Hành vi của các bị cáo dẫn tới việc tài sản của Nhà nước bị thất thoát đặc biệt lớn.

Liên quan đến sai phạm trong việc không xác định quyền sử dụng đất đối với khu đất 145ha, VKS đưa ra quan điểm: Quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương, bị cáo Nguyễn Văn Minh cùng các đồng phạm cố ý loại trừ khu đất này, không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 4.030 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Thanh Liêm biết rõ chủ trương của Tỉnh ủy phải được kế thừa tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nhưng vẫn ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp mà không có khu đất 145ha…

Đại diện VKS cho rằng, Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo đúng người, đúng tội, không oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận hành vi rõ ràng.

Theo đại diện VKS, bị cáo Trần Thanh Liêm có vai trò quan trọng thứ 2 trong vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét hết các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho bị cáo, mức án 7 năm tù là phù hợp. Tại phiên phúc thẩm, VKS thấy bị cáo đã ăn năn, hối cải, khắc phục hậu quả nên đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ 1 phần hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Vũ được đại diện VKS nhận định là đã hợp tác với cơ quan điều tra, tích cực khắc phục hậu quả, ăn năn hối cải, có cơ sở giảm nhẹ 1 phần hình phạt.

Đối với bị cáo Châu, đại diện VKS nhận thấy HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 4 năm 6 tháng tù là có cơ sở. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Đại diện VKS cho rằng, toà án cấp sơ thẩm đã vận dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Thúy, mức án 30 tháng tù mà HĐXX cấp sơ thẩm dành cho bị cáo là phù hợp nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thúy.