Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, nội dung phê duyệt của Tỉnh ủy Bình Dương thì khu đất 43 ha được chuyển giao về Công ty Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương khi cổ phần hoá doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khu đất này đã bị ông Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty SX-XNK Bình Dương) và đồng phạm cố ý thực hiện hành vi trái pháp luật, chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú và bản chất là chuyển nhượng trái pháp luật cho Công ty Âu Lạc của con rể ông Minh là Nguyễn Đại Dương. 

Vì vậy, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên theo hướng trả lại cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương khu đất 43ha thuộc phường Hoà Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Phiên tòa xét xử vụ thâu tóm "đất vàng" ở Bình Dương. Ảnh: CTV

Do khu đất 43ha đã được thu hồi nên không buộc các bị cáo có hành vi sai phạm liên quan đến khu đất này phải có trách nhiệm bồi thường. Quyền lợi của các bên liên quan tại khu đất 43ha sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trước đó, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị HĐXX xử lý khu đất này theo hai phương án. Một là cho phép Công ty Tân Phú tiếp tục triển khai dự án trên cơ sở đóng đầy đủ nghĩa vụ tài chính, đảm bảo không gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Hai là trả lại khu đất cho Tỉnh ủy Bình Dương để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Còn theo luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Tân Phú và Công ty Cổ phần đầu tư & phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh), khu đất 43ha không thuộc trường hợp bị thu hồi theo Luật Đất đai 2013 và hai công ty trên không phải là bên phạm tội, mà là bên thứ ba ngay tình, nên cần được đảm bảo quyền lợi.

Theo quan điểm của luật sư, đề nghị của đại diện VKS về việc trả lại 43ha đất về cho tỉnh Bình Dương là chưa khách quan. Luật sư đề nghị tòa tuyên theo hướng cho Công ty Kim Oanh được nộp khoản tiền chênh lệch và được tiếp tục thực hiện dự án trên khu đất 43ha này. 

Luật sư phân tích, việc giao cho Công ty Kim Oanh và Công ty Tân Phú được tiếp tục thực hiện dự án vừa giúp khắc phục được toàn bộ thiệt hại liên quan đến khu đất 43ha, vừa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp cho người thứ ba ngay tình.

“Doanh nghiệp đã đầu tư quá nhiều tiền của, công sức vào dự án. Việc giải quyết sai phạm tại 43ha trong thời gian quá dài dẫn đến rất nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín và mất đi cơ hội đầu tư, quay vòng nguồn vốn của doanh nghiệp”, luật sư trình bày.

Sau khi lắng nghe ý kiến, tranh luận của các bên, trong phần đối đáp, đại diện VKS đề nghị HĐXX giải quyết khu đất 43ha theo pháp luật.

Chiều 30/8, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết như sau: Căn cứ Điều 48 BLHS, Điều 133 Bộ luật dân sự quy định về việc bảo vệ quyền lợi cho bên thứ ba ngay tình; Căn cứ ý kiến của Tỉnh ủy Bình Dương và các quy định về việc bảo vệ quyền lợi cho bên thứ ba ngay tình, HĐXX quyết định giao cho Tân Phú 43ha đất, đề nghị UBND tỉnh Bình Dương nghiên cứu, xem xét đầy đủ nghĩa vụ tài chính mà Tân Phú phải nộp đối với khu đất này.

Việc này nhằm đảm bảo không bị thất thoát tài sản Nhà nước, quyền lợi của các bên và qua đó cũng có thể khắc phục hậu quả cho các bị cáo liên quan đến sai phạm của khu đất 43ha này.