Trình bày dự thảo báo cáo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri đánh giá cao quyết sách về phòng, chống, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp |
Ngoài ra, Chính phủ đã kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng làm trưởng ban; quyết định chi viện lực lượng tuyến đầu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch…
Phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật
Tuy nhiên, với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm đã làm kinh tế bị bào mòn, sức khỏe cộng đồng bị bào mòn, sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân bị bào mòn, chỉ có lòng nhân ái, tình dân, nghĩa Đảng, lòng yêu nước, thương nòi được nhân lên gấp bội.
Đến nay, đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 đã cơ bản được kiểm soát nhưng cử tri mong muốn các cấp, ngành, tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, chậm trễ, bị động,…
Từ đó để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống xấu hơn có thể xảy ra, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với các biến thể mới của Covid-19.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lượng lớn người lao động mất việc làm, thu nhập bấp bênh; một bộ phận người lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt sẽ có hệ lụy về lâu dài…
Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội; khơi dậy, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng.
Tuy vậy, cử tri phản ánh, còn nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến |
Việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; một bộ phận nông dân gặp khó khăn nhưng chưa được đưa vào diện hỗ trợ; vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi, gây bức xúc trong nhân dân.
Ngoài ra, vấn đề về sức khỏe tâm thần do giãn cách xã hội trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em. Cử tri cũng lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học; việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các bệnh về mắt của các cháu.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng rất bức xúc với các thông tin xấu độc, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch, gây hoài nghi đối với các chính sách đúng đắn của nhà nước; tình trạng chống người thi hành công vụ, cướp giật, trộm cắp tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng… diễn biến rất phức tạp.
Cần đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm cụ thể hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4, về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, giải quyết căng cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vắc xin, chú ý vắc xin tiêm cho người dưới 18 tuổi; quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, tâm lý xã hội, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, hỗ trợ người yếu thế.
Đồng thời, khảo sát, đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học, từ đó, xây dựng chiến lược thích ứng trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; xây dựng kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh đầu cấp bậc tiểu học để đảm bảo chất lượng…
Cùng với đó, MTTQ đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, chi phí cho phòng, chống dịch và các gói an sinh xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp phát hiện có sai phạm.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết một trong những nội dung quan trọng là Thường vụ cho ý kiến lần cuối về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong đó có đề xuất một số đổi mới cải tiến áp dụng tại kỳ họp.
“Tinh thần là nội dung nào cấp bách, cần thiết, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng, đạt sự đồng thuận cao thì đưa vào chương trình. Nội dung nào cấp bách nhưng chưa được chuẩn bị kỹ thì báo cáo Quốc hội cho tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề ngắn theo hình thức trực tuyến vào cuối năm nay để xem xét”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, qua hai phiên họp tháng 8, 9, các ý kiến thống nhất đề xuất tổ chức kỳ họp thứ 2 theo hình thức trực tuyến kết hợp họp tập trung. Giữa hai đợt họp này sẽ có thời gian nghỉ để Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét thông qua.
Quốc hội đang khẩn trương xây dựng đề án đổi mới hoàn thiện quy định nội quy kỳ họp và dự kiến xem xét tại kỳ họp thứ 3. Tuy nhiên có một số nội dung cần áp dụng ngay như chia tổ thảo luận ở Trung ương và địa phương, biểu quyết trực tuyến.
"Trước đây có hình thức bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua hệ thống tại phòng họp Diên Hồng, chưa có quy định biểu quyết tại các điểm cầu ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do đó cần báo cáo Quốc hội quyết định cho áp dụng từ kỳ họp 2", Chủ tịch Quốc hội nói.
Thu Hằng
Cần những lãnh đạo dám nghĩ, dám làm vì dân trong đại dịch
Trong phòng chống dịch không thể áp dụng máy móc mà cần những lãnh đạo sáng tạo, dám nghĩ, dám làm xuất phát từ lợi ích của người dân.