Nhiều ý kiến đề cập việc nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH chuyên trách trong buổi thảo luận về dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Tổ chức QH của UB Thường vụ QH sáng nay.

{keywords}
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng

3 - 5% ĐB chuyên trách không giữ chức vụ

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng, ý tưởng nâng số lượng ĐB chuyên trách lên 40% đã được Đại hội Đảng 11 bàn và đã được ghi trong Nghị quyết TƯ.

“Về hướng phấn đấu 37 - 40% ĐB chuyên trách, tôi nghĩ chúng ta sẽ có cơ hội thu hút được những chuyên gia từng công tác tại các cơ quan QH. Nếu được thì không giữ chức vụ gì cả, chỉ làm ĐBQH thôi để thu hút chất xám và kinh nghiệm công tác, trí tuệ, uy tín của họ đóng góp cho hoạt động của QH”, bà nói.

Vì vậy, Phó Chủ tịch QH đề nghị nên ghi thẳng vào luật 40% ĐB chuyên trách để có hướng Hội đồng bầu cử TƯ và các cấp có thẩm quyền xác định những người này ít nhất 3 - 5%, số còn lại ĐB chuyên trách có chức vụ thì ít nhất 35%.

Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng đề nghị tăng ĐB chuyên trách lên 40% để đảm bảo khối lượng công việc của QH.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình: Bộ trưởng khi qua khối QH thì hưởng lương bậc 2 ngay

“Nếu tính 35% nhưng hết 60 đồng chí là ở địa phương, ở TƯ có 100 đồng chí mà gánh phần việc lập pháp của TƯ thì thực sự rất nặng nề. Mà chúng ta giám sát cả một hoạt động hành pháp kể cả TƯ lẫn địa phương. Thực sự ra chỉ có 100 đồng chí ở TƯ thì khối lượng công việc quá nặng”, ông Bình giải thích.

Còn vấn đề chính sách, ông Bình đề nghị hệ thống lương của QH không nằm trong hệ thống lương công chức.

“Có thể QH có 2 mức lương: ĐBQH bậc 1 và bậc 2. Trong đó ĐBQH bậc 1 có hệ số phụ cấp 1,2; còn ĐBQH bậc 2 có hệ số phụ cấp 1,25. Anh vào QH nhiệm kỳ 2 thì bậc 2, nhiệm kỳ đầu anh là giám đốc sở thì anh bậc 1. Nếu hết nhiệm kỳ, anh không làm ĐBQH, trở lại vị trí lúc trước thì tính bậc lương công chức như cũ”, ông Bình phân tích.

Theo ông Bình, quy định như vậy là sòng phẳng với nhau, kể cả bộ trưởng khi qua khối QH thì hưởng lương bậc 2 ngay, còn các chức danh nếu có phụ cấp dưới 1,25 thì sẽ hưởng hệ số 1,2.

ĐB chuyên trách phụ cấp chức vụ ngang tổng cục trưởng, tổng cục phó

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, thật ra 35% ghi vậy là tối thiểu, tức là ít nhất 35%. Nhưng khóa 14 chưa bao giờ đạt 35% đại biểu chuyên trách mà chỉ mới đạt 34%.

“Theo tôi mức 35% thế đã tốt rồi. Bây giờ ghi cao hơn nữa tôi nghĩ cũng khó đạt được lắm”, ông Phúc băn khoăn.

Ngoài ra, ông cho rằng liên quan tới việc QH còn có vấn đề cơ cấu, thành phần, chất lượng ĐBQH.

“Con số các đồng chí đưa về đây làm ĐB chuyên trách thì ít nhất phải có hệ số phụ cấp 1,2, ngang tổng cục trưởng, tổng cục phó. Vì vậy khi chọn ĐBQH thì ít nhất cũng giám đốc sở có hệ số phụ cấp 0,9 nâng lên là 1,2; 1,25. Có như vậy mới đạt được tiêu chuẩn đưa về QH làm chuyên trách, ủy viên thường trực các UB mới đảm bảo được, nếu không rất khó”, ông Phúc phân tích. 

Theo nghị quyết 730/2004 của UB Thường vụ QH, ĐBQH hoạt động chuyên trách có 2 mức phụ cấp chức vụ: mức 1 có hệ số 1,05; mức 2 có hệ số 1,2. Với mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu/tháng thì mức phụ cấp của ĐBQH chuyên trách tương ứng là hơn 1,56 triệu và 1,788 triệu đồng mỗi tháng.

Với mức lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu/tháng tính từ 1/7 này thì phụ cấp của ĐBQH chuyên trách là 1,68 triệu và 1,92 triệu đồng mỗi tháng.

Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Vụ Tiền lương của Bộ Nội vụ cho biết, hiện hệ thống lương của khối QH nằm trong hệ thống lương chung của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên việc này sẽ do UB Thường vụ QH quy định trên cơ sở tương đồng giữa các khối trong hệ thống chính trị.

Theo đó, hệ số lương trong từng chức danh cụ thể của từng khối sẽ tương ứng với nhau. Ví dụ như lương của Chủ nhiệm các UB của QH sẽ tương ứng với lương của Bộ trưởng các bộ cùng hệ số 9,7...

Tuy nhiên, cách tính lương này sẽ thay đổi khi thực hiện cải cách tiền lương vào năm 2021 theo hướng bỏ hệ số, ngạch bậc mà sẽ tính lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Thu Hằng

Đề nghị nâng tuổi đại biểu QH chuyên trách lên 65 - 67

Đề nghị nâng tuổi đại biểu QH chuyên trách lên 65 - 67

Nhiều ý kiến đề nghị không khống chế độ tuổi tối đa của ĐBQH hoặc kéo dài tuổi làm việc của ĐBQH chuyên trách lên mức 65 - 67 tuổi.