CQĐT cho rằng, ông Nguyễn Lộc An (cựu chuyên viên Vụ Thị trường trong nước; cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) đã nhận hối lộ số tiền 14,2 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Bộ Công Thương, Công ty CP Thương mại Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bách Khoa Việt, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng và các đơn vị liên quan.
CQĐT đề nghị truy tố bị can Nguyễn Lộc An (cựu chuyên viên Vụ Thị trường trong nước; cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) tội Nhận hối lộ; Nguyễn Tuấn Quỳnh (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng) tội Đưa hối lộ.
Liên quan đến vụ án, bị can Trần Trác Việt Đức (cựu Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt), Đỗ Thị Tuyết Nga (cựu kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt) bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo cáo buộc, quá trình kiểm tra thực tế trước khi cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu cho Công ty Bách Khoa Việt, ông An nhận của bà Trần Thị Loan Phương 200 triệu đồng để hỗ trợ giúp công ty được cấp giấy phép sớm.
Trước khi tiếp cận hồ sơ, thực hiện quy trình kiểm tra, cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu dầu cho Công ty Bách Khoa Việt, ông An nhận 9 tỷ đồng của bà Phương để hướng dẫn công ty hợp thức hồ sơ cấp phép và không kiểm tra đầy đủ năng lực thực tế mà tạo điều kiện trong quá trình kiểm tra, sắp xếp lịch trình, ký biên bản kiểm tra và báo cáo, đề nghị ông Đỗ Thắng Hải (khi đó là Thứ trưởng Bộ Công Thương) ký Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu dầu cho Công ty Bách Khoa Việt trái quy định.
Khi thực hiện quy trình kiểm tra, cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Long Hưng, ông An tạo điều kiện cho công ty này: không kiểm tra đầy đủ năng lực thực tế, sắp xếp lịch trình kiểm tra, ký biên bản kiểm tra và báo cáo, đề nghị ông Đỗ Thắng Hải ký giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trái quy định.
Sau đó, ông An đề nghị cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Long Hưng chi 10 tỷ đồng (sau đó trả lại 5 tỷ đồng) để đảm bảo điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
Hành vi của bị can Nguyễn Lộc An bị cơ quan CSĐT xác định đã phạm vào tội Nhận hối lộ với số tiền 14,2 tỷ đồng.
Cáo buộc cũng cho rằng, do ông An đã giúp đỡ trong quá trình kiểm tra điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu, nhập khẩu xăng dầu không đúng quy định, không kiểm tra đầy đủ năng lực thực tế nhưng vẫn ký Biên bản kiểm tra để Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Long Hưng.
Để ông An tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh xuất, nhập khẩu, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh đã chi cho ông An 5 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, bị can Trần Trác Việt Đức và Đỗ Thị Tuyết Nga đã lợi dụng việc được giao quản lý tài khoản tiền gửi Quỹ Bình ổn giá của Công ty Bách Khoa Việt để thực hiện trích lập và chi sử dụng tiền quỹ không đúng quy định hơn 107 tỷ đồng.
Đến thời điểm Bộ Công Thương ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và Công ty Bách Khoa Việt có trách nhiệm nộp số dư Quỹ Bình ổn giá vào Ngân sách Nhà nước, công ty chỉ nộp hơn 1,6 tỷ đồng, còn lại hơn 105 tỷ đồng không nộp, gây thiệt hại Ngân sách Nhà nước số tiền trên.
Trong vụ Xuyên Việt Oil, ông Nguyễn Lộc An bị cáo buộc nhận từ Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil 400 triệu đồng cùng chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe. Với cáo buộc nhận hối lộ, tháng 11/2024, ông An bị TAND TP HCM tuyên phạt mức án 4 năm tù.
Năm 2002, ông Nguyễn Lộc An bị TAND tỉnh Lạng Sơn xét xử và tuyên phạt mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội Trốn thuế, theo Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999. Sau đó, tòa phúc thẩm tuyên y án.