Trong những năm vừa qua, hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển đã đạt được những kết quả tích cực: Cứu và hỗ trợ tất cả những người bị nạn trên biển, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, điều kiện và hoàn cảnh; là chỗ dựa tinh thần cho người đi biển.

Song song với đó, hệ thống các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng làm tốt công tác tuyên truyền an toàn an ninh hàng hải và tìm kiếm cứu nạn cho ngư dân.

Gần đây nhất, ngày ngày 24/11, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV (Trung tâm khu vực IV), Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT chủ trì tổ chức tuyên truyền an toàn, an ninh hàng hải và tìm kiếm cứu nạn. 

Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch tuyên truyền năm 2023, Đài thông tin duyên hải Phan Rang cùng tham gia phối hợp thực hiện. Hội nghị tuyên truyền được tổ chức tại UBND Phường Đông Hải, thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút hơn 100 bà con ngư dân đến tham dự.

Tại hội nghị, cán bộ Trung tâm khu vực IV phổ biến các phương pháp cần trợ giúp khi gặp sự cố trên biển, giới thiệu các phương tiện đồ dùng cứu sinh, pháo khói, đuốc cầm tay, các biện pháp sơ cứu đuối nước, băng bó vết thương, giới thiệu về túi thuốc y tế trên tàu. Bên cạnh đó, bà con ngư dân được cấp phát túi thuốc y tế, phao áo, phao tròn, tài liệu tuyên truyền và cờ Tổ Quốc.

W-04-huong-dan-thuc-hanh-y-te-1.jpeg
Cán bộ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn  khu vực IV hướng dẫn ngư dân cách sơ cứu y tế 

Luật Thủy sản 2017 đã quy định các nội dung liên quan đến quản lý tàu cá, bảo đảm an toàn tàu cá gồm:

Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m trở lên phải được đăng kiểm, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật; khi đóng mới, cải hoán phải được tổ chức đăng kiểm giám sát an toàn kỹ thuật, chất lượng phù hợp với hồ sơ thiết kế được thẩm định và cấp giấy tờ theo quy định.

Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, bộ phận giám sát và quản lý chất lượng, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng,...

Cơ sở đăng kiểm tàu cá phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ đăng kiểm viên, hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu.

Chủ tàu cá phải tuân thủ các quy định về đăng kiểm tàu cá; khi đi hoạt động phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với tàu thuộc diện phải đăng kiểm, tàu phải có thiết bị thông tin liên lạc theo quy định; tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải có thiết bị giám sát hành trình.

Trong trường hợp không may gặp sự cố trong quá trình đánh bắt cá, Để được trợ giúp kịp thời khi gặp trường hợp khẩn cấp, tàu có thể gọi về bất kỳ Đài TTDH Việt Nam nào trên các phương thức và tần số khác nhau:

Phương thức Thoại vô tuyến trên tần số 7903 kHz (dải tần MF/HF) và Kênh 16 (dải tần VHF).

Phương thức Gọi chọn số (DSC) trên tần số 2187.5 kHz; 4207.5 kHz; 6312 kHz; 8414.5 kHz; 12577 kHz; 16804.5 kHz; Kênh 70 VHF.

Đặc biệt, để nghe được thông tin thời tiết biển trên sóng vô tuyến từ hệ thống Đài TTDH Việt Nam, tàu phải nghe trên tần số 7906 kHz; 8294 kHz (MF/HF) và Kênh 16 (VHF).

Thông qua buổi tập huấn, các đơn vị đã đưa ra các giải pháp giảm thiểu tối đa các rủi ro, tai nạn xảy ra cho bà con, để bà con an tâm giữ nghề, bám biển, mỗi tàu cá, mỗi một người ngư dân sẽ góp phần tích cực hơn nữa cùng với lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) được thành lập ngày 2/10/1996 theo Quyết định số 2628 QĐ/TCCB-LĐ của Bộ trưởng Giao thông vận tải và được quy định lại về tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 1252/QĐ-BGTVT ngày 5/10/2023 của Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Là đơn vị sự nghiệp nhân đạo trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, được Nhà nước giao thực hiện chức năng chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế trên biển; là cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam chịu trách nhiệm điều phối, tham gia các hoạt động hợp tác tìm kiếm và cứu nạn trên biển với các quốc gia và tổ chức quốc tế theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và thừa nhận.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam có trụ sở chính đóng tại Hà Nội và 4 Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực I, II, III và IV có trụ sở đóng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu.

Hằng năm Trung tâm thu nhận và xử lý từ 350-500 vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải, cứu và hỗ trợ hàng nghìn lượt người, hàng trăm tàu thuyền trong và ngoài nước gặp nạn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam, góp phần giảm thiểu thiệt hại do tai nạn, sự cố gây ra trên cả nước, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và uy tín của Việt Nam đối với quốc tế.

Trung tâm bảo đảm duy trì hoạt động thường trực 24/7 giờ, sẵn sàng thu nhận kịp thời và xử lý có hiệu quả 100% thông tin liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải trên vùng biển trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam.

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV