Vào ngày 31/12/2015, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lộ trình tiến đến một cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu.
AEC là 1 trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN bao gồm cộng đồng chính trị - an ninh, cộng đồng kinh tế, và cộng đồng văn hóa - xã hội. AEC là cơ chế hợp tác có hiệu lực từ ngày 31/12/2015 với quy mô dân số trên 600 triệu người và GDP khoảng 2.500 tỷ USD.
Việc tham gia AEC sẽ mở ra rất nhiều cơ hội, đồng thời, cũng đặt Việt Nam trước rất nhiều thách thức. Trong số các thách thức đó, quan trọng nhất hiện nay là nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của AEC.
Nguồn nhân lực được xem là số lượng và chất lượng người lao động bao gồm cả thể chất và tinh thần, sức khỏe và trí tuệ, năng lực, phẩm chất và đạo đức của người lao động. Nguồn nhân lực cũng có thể được hiểu là tổng thể các tiềm năng lao động của một tổ chức, một địa phương, một quốc gia trong thể thống nhất hữu cơ năng lực xã hội, bao gồm thể lực, trí lực, nhân cách và tính năng động xã hội của con người.
Phân tích về nguồn nhân lực Việt Nam của Liên hợp quốc cho thấy, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng giai đoạn 2010-2040 và theo kinh nghiệm các nước, đây là giai đoạn nền kinh tế có khả năng cất cánh để trở thành nước công nghiệp. Giai đoạn này của Việt Nam tương tự với Indonesia và Malaysia.
Có thể nói, đây là thời điểm tốt nhất để nguồn nhân lực Việt Nam có thể tham gia vào thị trường lao động AEC. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều lao động sang các nước ASEAN, đặc biệt sang Malaysia với hàng ngàn chỉ tiêu mỗi năm với thu nhập trung bình 150-200USD/tháng với nhiều loại ngành nghề khác nhau, từ đơn giản như giúp việc gia đình đến làm nghề xây dựng.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp (Vietcombank, Agribank, Sacombank, Tập đoàn Hoàng Anh Gialai…) Việt Nam đã mở chi nhánh và hoạt động khá hiệu quả tại Lào, Campuchia cũng cho thấy khả năng hội nhập nhanh chóng của lao động Việt Nam trong ASEAN gắn với dòng di chuyển thương mại, vốn đầu tư, dịch vụ.
Thực tiễn cho thấy, thương mại Việt Nam với các nước ASEAN chiếm tỷ trọng đáng kể với khoảng 20% tổng thương mại của tất cả các đối tác. Nhiều đối tác đầu tư trực tiếp quan trọng tại Việt Nam là các nước ASEAN (như Singapore luôn là một trong ba nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam).
Chưa kể, một số lượng đáng kể người Việt Nam di chuyển sang các nước ASEAN bằng con đường du lịch và tìm việc làm phi chính thức tại các nước ASEAN cũng là dấu hiệu cho thấy, khả năng tiếp cận nhanh chóng với thị trường lao động ASEAN. Hầu hết các danh mục ngành nghề của Việt Nam các nước ASEAN tương tự nhau, cho nên đây là khía cạnh không tạo ra sự khác biệt quá lớn trong đào tạo nghề nghiệp và sự công nhận lẫn nhau.
Đến nay, ASEAN cũng đã có Hiệp định về di chuyển tự nhiên nhân lực trong ASEAN và thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ lành nghề của cơ quan chính thức như: Dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, chứng chỉ giám sát, nhân lực nghề y, nha khoa, kế toán, du lịch. Những dấu hiệu trên cho thấy, tiềm năng đáng kể của lao động Việt Nam trong việc sẵn sàng tham gia cộng đồng ASEAN.