Tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh"

Hoà Bình tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, là địa phương có lợi thế về giao thông - cửa ngõ vùng Tây Bắc và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho Hòa Bình khi trở thành giao điểm thông thương với các tỉnh khác trong cả nước.

Không chỉ có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, Hoà Bình còn có diện tích nước mặt tập trung, trữ lượng lớn, tài nguyên đất đai dồi dào, độ màu mỡ cao, quỹ đất chưa sử dụng lớn, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi là tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp sạch.

W-Ảnh màn hình 2024 12 07 lúc 18.27.13.png
Một góc hồ thuỷ điện Hoà Bình

Bên cạnh đó, nhờ kiến tạo địa chất và vị trí địa lý, Hoà Bình còn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên, đồng thời là nơi giao thoa giữa các bản sắc văn hóa truyền thống giữa các dân tộc. Từ đó tạo thuận lợi để tỉnh đẩy mạnh phát triển các hoạt động du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, hay các địa điểm tâm linh, du lịch sinh thái...

Hồi đầu năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt; khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; hình thành không gian phát triển mới, tạo giá trị mới.

Chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh", cụ thể:

"Một trọng tâm" là phát huy tính tự lực, tự cường để huy động mọi nguồn lực và khai thác hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ...).

"Hai tăng cường" gồm: (i) Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người, xã hội (nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ môi trường); (ii) Tăng cường kết nối vùng, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng,…

"Ba đẩy mạnh" gồm: (i) Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện (giao thông, điện, viễn thông, y tế, giáo dục, chống biến đổi khí hậu, …); (ii) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi dịch vụ; (iii) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển nhanh, bền vững.

Nâng tầm giá trị sản phẩm qua ứng dụng công nghệ cao

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những bước tiến vững chắc, ổn định từ việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, trong chăn nuôi tập trung với hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín, trong sản xuất trồng trọt như các hệ thống nhà kính, nhà lưới; công nghệ tưới tự động; dùng UAV trong phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo hạt giống, bón phân.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã quan tâm phát triển các mô hình sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao. Việc ứng dụng CNTT được cụ thể hóa trong quản lý, điều hành, tra cứu thông tin thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… Cụ thể, 3 lĩnh vực được ứng dụng các mô hình thông minh là trồng trọt, chăn nuôi và quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình cũng ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo hàng loạt loại cây, con giống chủ lực, sử dụng nguồn giống thuần chủng, chất lượng cao như: giống Gà ri Lạc Thủy, lợn bản địa, bò 3B, bò lai Shine, giống mía nuôi cấy mô, các loại cây ăn quả có múi…

Đến nay, toàn tỉnh đã chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP và chúng nhận hữu cơ cho 3.525 ha sản phẩm quả các loại; 561 ha sản phẩm rau; 1.945 lồng cá; 22 cơ sở chăn nuôi. Bên cạnh đó, có 3 công ty chuyên liên kết với các hộ chăn nuôi để nuôi lợn khép kín, cung cấp cho thị trường khoảng 19.500 tấn thịt/năm.

Được biết, trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng quy trình công nghệ, thiết bị kỹ thuật.

Đồng thời, ngành sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, tăng cường đầu tư, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao lợi nhuận, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác người dân có thêm tiềm lực kinh tế mở rộng quy mô sản xuất. Hình thành nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới ứng dụng công nghệ cao, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm... tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Quyết tâm đổi mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế

Với quyết tâm đổi mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, những năm qua, UBND tỉnh Hòa Bình đặc biệt coi trọng chỉ đạo, điều hành thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

W-hoabinh.png
Thành phố Hoà Bình nhìn từ trên cao

Từ rất sớm, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 36 ngày 26/3/2018 về triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trên địa bàn. Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định mục tiêu phát triển bền vững là quan điểm xuyên suốt, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực trong những năm tới.

Quy hoạch tỉnh xác định rõ hướng phát triển của tỉnh Hòa Bình là thực hiện mục tiêu đưa tỉnh trở thành tỉnh hàng đầu trong khu vực Tây Bắc nhờ tăng trưởng GDP, với các trụ cột tăng trưởng chính là: Du lịch sinh thái; công nghiệp xanh; nông nghiệp sạch... Đặc biệt, từ những tiềm năng, lợi thế vốn có, tỉnh Hòa Bình với định hướng phát triển kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao với mục tiêu phát triển bền vững.

Hàng năm, các cấp ban, ngành của tỉnh, huyện, thành phố tổ chức nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo sự đồng thuận với doanh nghiệp trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Thanh Sơn