Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho vùng. Tuy nhiên, diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên bị suy giảm là thách thức trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Vấn đề đặt ra đối với Tây Nguyên là để phát triển bền vững thì phải giữ diện tích rừng hiện có và tiếp tục tăng diện tích che phủ rừng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về bảo vệ và phát triển rừng.

5 tỉnh khu vực Tây Nguyên hiện có tổng diện tích tự nhiên hơn 5,4 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2020, toàn khu vực Tây Nguyên có hơn 2.526.205 ha, trong đó rừng tự nhiên là 2.179.794 ha, rừng trồng mới là 382.411 ha. Đây là khu vực có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước (chiếm khoảng 17,5%), có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp.

Rừng Tây Nguyên gắn liền với đời sống của người dân địa phương, có vai trò quan trọng với môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu không chỉ cho khu vực, mà còn cho các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ và toàn bộ vùng hạ lưu sông Mê Kông. Rừng Tây Nguyên có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống người dân tộc thiểu số, bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ và phát triển rừng, nhưng vùng Tây Nguyên đang đứng trước các thách thức rất lớn. Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.

Năm 2000, độ che phủ rừng ở các tỉnh Tây Nguyên đạt 55,0%, nhưng đến năm 2016 chỉ còn 46,0%, tức là 15 năm sau, độ che phủ rừng giảm xuống gần 10%. Theo số liệu được công bố, giai đoạn 2011-2020, tốc độ mất rừng tự nhiên ở Tây Nguyên trung bình khoảng 46.267 ha8. Trong 5 năm (2016 – 2021), mặc dù diện tích có rừng tăng, nhưng độ che phủ rừng giảm 0,07%. Năm 2021, độ che phủ rừng vùng Tây Nguyên còn 45.94%9.

Cùng với sự suy giảm về diện tích rừng, chất lượng rừng của toàn khu vực hiện cũng đang bị suy thoái, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tỷ lệ rừng trung bình, rừng giàu tại vùng Tây Nguyên còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 18,4% tương ứng với diện tích 0,4 triệu ha; còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi chiếm đến 81,60% tương ứng với diện tích 1,788 triệu ha10.

Những khu rừng có chất lượng cao, trữ lượng lớn còn ít và chủ yếu tập trung ở khu rừng đặc dụng. Rừng mới phục hồi do khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, chủ yếu là rừng non có giá trị thấp về đa dạng sinh học cũng như khả năng cung cấp lâm sản, tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường. Trong khi đó, diện tích rừng trồng mới hằng năm tăng không đáng kể. Rừng trồng mới có độ che phủ chưa cao.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng ở Tây Nguyên là phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp12. Bên cạnh đó, việc khai thác gỗ bao gồm cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp và chuyển đổi rừng sang nông nghiệp, bao gồm cả cây lâu năm và rừng trồng có giá trị cao, cùng với đó là chuyển đổi rừng cho xây dựng cơ sở hạ tầng (đặc biệt là thủy điện) và tăng dân số - chủ yếu do di cư tự do, khiến rừng bị mai một. Tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp.

Việc kiểm soát chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ở một số nơi chưa chặt chẽ, chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật. Toàn vùng Tây nguyên có tổng số 751 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích rừng và đất lâm nghiệp 48.980 ha, trong đó rừng tự nhiên 10.637 ha, rừng trồng 1.158 ha, đất chưa có rừng 1.726 ha, chưa xác định loại rừng 35.459 ha13.

Trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, quyền hạn ngăn chặn hành trái pháp luật về rừng hạn chế, chế tài kiểm soát không đủ mạnh để răn đe. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong điều tra, xử lý các hành vi phá rừng, chống người thi hành công vụ như mua bán, vận chuyển gỗ, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời dẫn đến tình trạng các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật và tiếp tục vi phạm pháp luật về rừng.

Ngoài ra, việc suy giảm rừng vùng Tây Nguyên là do biến đổi khí hậu đang diễn ra khá phức tạp ở khu vực Tây Nguyên, làm cho nhiệt độ có xu hướng tăng, nguồn nước giảm. Nhiệt độ và lượng bốc hơi tăng cùng với hạn hán kéo dài tác động mạnh đến hệ sinh thái. Biến đổi khí hậu làm khô hạn kéo dài dẫn đến cháy rừng.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, khô hạn xảy ra trên hầu khắp các địa phương khu vực Tây Nguyên, dẫn đến số vụ cháy rừng trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Từ đầu năm 2015 đến cuối năm 2017, toàn vùng Tây Nguyên xảy ra 29 vụ cháy rừng với diện tích bị thiệt hại hơn 80 ha11. Những diễn biến phức tạp của thiên tai, lũ lụt, hạn hán khiến rừng tự nhiên bị tác động, dẫn tới suy giảm diện tích rừng. Và chính điều này lại càng làm gia tăng tính phức tạp trong biến đổi khí hậu của vùng.

 Thúy Hồng, Thu Huyền, Huy Linh