Eximbank muốn chuyển hội sở chính từ địa chỉ hiện tại (tầng 8, Toà nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) ra quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Khu vực này được coi là “trung tâm tài chính” của cả nước với sự hiện diện của trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước và nhiều ngân hàng thương mại như: Vietcombank, BIDV, SeABank, Techcombank…

Tất nhiên, quyết định quan trọng mang tính bước ngoặt này cần phải nhận được sự đồng thuận của 51% quyền biểu quyết, như Eximbank đã khẳng định. Đồng thời cũng cần được sự chấp thuận của cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước.

Nhìn về góc độ kinh doanh ngân hàng, Eximbank đã có lịch sử 35 năm hoạt động, có lượng khách hàng ổn định và lâu đời ở phía Nam, giúp ngân hàng phát triển và tích lũy lợi nhuận.

Việc ngân hàng chưa tạo ảnh hưởng đủ lớn ở thị trường phía Bắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chính được chỉ ra là do vấp phải room tín dụng khi ngân hàng mới chỉ đáp ứng chủ yếu cho tệp khách hàng ở các tỉnh thành phía Nam.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi quan điểm quản lý về vấn đề này. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức khoảng 15% tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1.

eximbank 3390.jpg
Eximbank đề xuất chuyển hội sở chính. Ảnh: Eximbank

Theo báo cáo, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2024 của Eximbank ở mức 13,55%, đứng thứ 12 trong số 30 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý III.

Ngày 28/8, cơ quan quản lý tiếp tục có văn bản thông báo, các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ, không cần đề nghị cơ quan quản lý...

Thực tế việc chuyển hội sở chính chỉ mang tính chất thủ tục pháp lý, bởi đằng sau đó là chiến lược “đánh chiếm” thị trường còn nhiều tiềm năng.

Theo báo cáo thường niên 2023 của Eximbank, tại thời điểm 31/12/2023, ngân hàng có 215 điểm giao dịch với 48 chi nhánh tại 26 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trong số đó chỉ có 11 chi nhánh tại miền Bắc, bao gồm 6 chi nhánh tại Hà Nội và 5 chi nhánh tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Bắc Giang, và Bắc Ninh.

Điều này cho thấy sự bất cân xứng trong việc phân bố giữa các vùng miền, trong khi các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội và các tỉnh lân cận, đang thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp FDI, qua đó tạo dư địa vô cùng to lớn cho Eximbank trong việc tiếp cận khách hàng lớn, vốn là thế mạnh của ngân hàng trong mảng cung cấp dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Trong xu thế phát triển chung, các ngân hàng đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, xây dựng nhiều sản phẩm dịch vụ dựa trên tư duy mới về khách hàng và thị trường.

Việc đầu tư vào công nghệ là xu hướng tất yếu trong bối cảnh ngành ngân hàng đang ngày càng chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.

Công nghệ cho phép các ngân hàng tiếp cận khách hàng rộng lớn mà không cần phải xây dựng cơ sở vật chất tốn kém như trước đây. Việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường giữa những tranh cãi cho thấy HĐQT của nhà băng này đang quyết tâm vượt qua khó khăn, chuyển mình giữa bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động.