Cục Đăng kiểm Việt Nam mới đây đề xuất Bộ GTVT cho phép đăng kiểm viên hưởng án treo tiếp tục làm việc. Theo đó, những đăng kiểm viên này không bị nghiêm cấm hành nghề.
Lý giải đưa ra đề xuất này, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 700 đăng kiểm viên tại các trung tâm đăng kiểm bị khởi tố và nghỉ việc. Trong đó có 300 đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại, vẫn đang làm việc tại 81 trung tâm đăng kiểm.
“Tới đây, các đăng kiểm viên sẽ phải hầu tòa về các sai phạm vừa qua. Nếu các đăng kiểm viên có bản án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định, Cục Đăng kiểm buộc phải thu hồi chứng chỉ. Như vậy, sẽ có những trung tâm đăng kiểm không thể hoạt động, vì họ sử dụng hầu hết nhân viên đăng kiểm bị khởi tố”, ông An thông tin.
Sáng 21/10, trao đổi với PV VietNamNet ông Trần Quốc Hoan, phụ trách Trung tâm đăng kiểm 29.03V (quận Đống Đa, Hà Nội) rất đồng tình với đề xuất của Cục.
Lấy dẫn chứng ngay tại cơ sở mình đang quản lý, ông Hoan cho biết, hiện các dây chuyền nơi đây chưa hoạt động hết công xuất, lượng xe đến không nhiều. Tuy nhiên, trung tâm có 12 đăng kiểm viên thì có tới 9 người diện đã bị khởi tố cho tại ngoại (chờ xét xử).
"Nếu vụ án được đưa ra xét xử vào những tháng cuối năm này, trong trường hợp cả 9 đăng kiểm viên đều phải chịu án tù giam, thì rất có thể trung tâm sẽ không còn hoạt động hoặc hoạt động trong trạng thái “ngắc ngoải”", ông Hoan bày tỏ.
Theo ông Hoan, tình trạng này không chỉ xảy ra tại đơn vị này, mà 28/31 trung tâm đang hoạt động ở Hà Nội đều trong tình cảnh tương tự. Thậm chí có những trung tâm cả lãnh đạo, đăng kiểm viên đều đang thuộc nhóm tại ngoại chờ xét xử.
Ông Hoan cho rằng, luật đã quy định người hưởng án treo vẫn được tiếp tục làm việc. Vì thế, đề xuất trên là hợp lý trong bối cảnh, lĩnh vực đăng kiểm đang đối diện nguy cơ cạn kiệt nguồn nhân lực như hiện nay.
Nghị định 139 cũng quy định, để trở thành một đăng kiểm viên sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí, phải trải qua tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ. Còn đối với đăng kiểm viên bậc cao tiếp tục học thêm 36 tháng.
“Nhiều người ví đào tạo đăng kiểm viên không khác gì đào tạo một phi công. Với hơn 700 đăng kiểm viên trên toàn quốc bị khởi tố, trong đó hơn 300 người diện tại ngoại đang làm việc. Nếu tới đây, những người này bị buộc phải thu hồi chứng chỉ, nghỉ làm hoặc buộc phải nghỉ thì 3 năm nữa (đến 2026) hệ thống mới bù đắp được lượng đăng kiểm viên thiếu hụt này.
Nếu tình huống này xảy ra thì nhiều trung tâm sẽ “trắng bãi”. Trong bối cảnh số lượng dây chuyền đủ đáp ứng nhu cầu, nhưng thiếu người vận hành thì việc giữ những đăng kiểm viên được hưởng án treo tiếp tục làm việc là cần thiết”, ông Hoan bày tỏ.
Đăng kiểm viên tại ngoại có được tiếp tục làm việc?
Trao đổi thêm về nội dung này với PV VietNamNet, Luật sư Lương Văn Thành, Công ty Luật HTC Việt Nam (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, căn cứ tại Điều 1 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì án treo không phải là hình phạt, mà là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, áp dụng cho người bị kết án phạt tù không quá 3 năm.
Theo khoản 1 Điều 57 Luật Viên chức năm 2010 quy định đối với viên chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì: “Viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì bị buộc thôi việc, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”
Do đó, các đăng kiểm viên đã bị kết án và được Tòa án cho hưởng án treo và không bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề thì có thể vẫn được tiếp tục làm việc.
“Từ những căn cứ nêu trên, việc đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm viên hưởng án treo được tiếp tục làm việc là có cơ sở pháp lý. Các đăng kiểm viên có thể được tiếp tục làm việc bình thường và cần tuân thủ nội quy, quy chế lao động tại cơ sở”, luật sư Văn Thành nêu.