- TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) cho rằng để thực hiện được Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các trường phổ thông nhất thiết phải được quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức, tài chính và nhân sự.

Đề xuất giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông được TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 7/12.

{keywords}
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (Ảnh: Thanh Hùng)

Ông Tiến cho rằng để thực hiện được Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các trường phổ thông phải được quyền tự chủ về chuyên môn, tài chính và nhân sự.

“Trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi không đề cập tới điều này. Tôi đề nghị mở rộng quyền tự chủ không chỉ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học mà cần nói chung cho các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

Tất nhiên sẽ quy định mức độ tự chủ từng cơ sở sẽ khác nhau, nhưng trường phổ thông phải được quyền tự chủ, và việc đó phải được cụ thể hóa trong điều lệ nhà trường phổ thông sau này" - ông Tiến đề xuất và khẳng định có như vậy mới có thể thực hiện được chương trình phổ thông mới. "Còn như hiện nay, trường phổ thông là những trường tuân thủ chi tiết từ trên xuống dưới mà không có chút tự chủ nào trong việc tuyển dụng giáo viên hay dạy học. Như vậy, tôi cho là rất khó thực hiện Chương trình mới”.

{keywords}
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo (Ảnh: Thanh Hùng)

Chia sẻ với VietNamNet, ông Tiến cho rằng việc giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông là điều rất cần thiết, và trên thế giới các nước cũng đều làm như thế.

"Nhất là trong bối cảnh môi trường xung quanh thay đổi rất nhanh, nếu các trường không được chủ động thì không thể nào tiến hành chương trình giáo dục phù hợp với yêu cầu của thực tế" - ông Tiến khẳng định.

Theo ông Tiến, việc giao quyền tự chủ cho các trường sẽ đảm bảo việc nâng cao được chất lượng, tuy nhiên cũng đòi hỏi điều kiện bộ máy quản lý phải tốt.

“Hiệu trưởng cũng phải chuyển từ việc từ trước tới nay chỉ tuân thủ bên trên sang thế chủ động, tức là đòi hỏi năng lực mới. Cái khó là đa phần hiệu trưởng của chúng ta chưa đạt được năng lực đó. Ngoài ra, các nhà trường cũng phải có các hội đồng trường với thành viên gồm đại diện địa phương, cơ quan quản lý…, để định hướng và giám sát cách làm của hiệu trưởng, tránh việc hiệu trưởng trở thành các “ông vua” trong trường".

Đề xuất miễn học phí đồng đều cho cả học sinh Tiểu học và THCS ngoài công lập

Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục ngày 5/12, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết “Các trường tiểu học dân lập có hỏi chúng tôi rằng bây giờ, học sinh tiểu học có được miễn học phí hay không? Nếu theo quy định về phổ cập thì con em nhân dân trên địa bàn phải được miễn học phí bậc tiểu học”.

Hiện nay, học sinh học ở các trường ngoài công lập không được hưởng chế độ miễn học phí ở cấp Tiểu học và THCS. Theo ông Đại, điều này một phần làm cho các trường dân lập phải thu học phí cao, tạo sức ép rất lớn cho các trường công lập về sĩ số.

Ông Đại cho rằng bởi vì hiện nay đang thực hiện chủ trương xã hội hóa, phát triển các trường ngoài công lập nhằm đạt tỉ lệ 15% học sinh tiểu học, 15% học sinh THCS và 40% học sinh THPT học ngoài công lập, nên Bộ GD-ĐT cần xem xét để kiến nghị cho học sinh trường Tiểu học và THCS cả công lập lẫn ngoài công lập đều được hưởng một mức miễn học phí như nhau.

““Qua đó cũng tạo ra một sự cạnh tranh đồng đều giữa các trường. Các trường chất lượng cao và có điều kiện chăm sóc tốt hơn có thể thu thêm tiền” - ông Đại nói.

Thanh Hùng