Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM vừa có báo cáo kết quả giám sát công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố. Chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc này được UBND TP.HCM ban hành từ năm 2013.
Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc, hiện đơn vị này đã tập hợp được danh sách khoảng 1.550 biệt thự cũ trước năm 1975. Trong đó, 1.058 biệt thự cũ được kiểm kê và ghi nhận khoảng 560 địa chỉ không còn là biệt thự.
Sở QH-KT đã chuyển khoảng 500 hồ sơ cho Hội đồng phân loại biệt thự để đánh giá, phân loại theo bộ tiêu chí đã được UBND TP.HCM ban hành. Tháng 5/2020, UBND Thành phố công bố danh mục 151 biệt thự cũ trên địa bàn, được chia làm 3 nhóm.
Trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1.058 biệt thự cũ đã được kiểm kê. |
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc QH-KT TP.HCM, khi thực hiện khảo sát, kiểm kê các công trình biệt thự cũ, cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn, như: Không được vào trong nhà, chủ nhà không hợp tác, công trình bị che chắn tầm nhìn, công trình nằm trong hẻM, một số trường hợp không xác định được vị trí công trình do địa chỉ thực tế khác trong danh sách...
Ngoài ra, có tình trạng chủ nhà tự ý phá huỷ hoặc tháo dỡ công trình khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. Điều này dẫn đến việc kiểm kê, đánh giá biệt thự cũ có sự thay đổi ở từng thời điểm, ví dụ khi kiểm kê công trình vẫn còn nhưng một thời gian sau đó công trình đã bị tháo dỡ.
Để tránh trường hợp chủ biệt thự tự ý phá dỡ, chia cắt biệt thự trái luật, đặc biệt là các biệt thự sẽ bảo tồn thuộc nhóm 1 và nhóm 2, Sở QH-KT đã có công văn đề nghị UBND 24 quận, huyện phối hợp, hỗ trợ tăng cường công tác quản lý xây dựng.
Biệt thự tại số 3 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, một trong 52 biệt thự cũ được phân loại nhóm 1. |
Quá trình quản lý, Sở QH-KT và các quận huyện đề xuất 2 khu vực tại thành phố cần bảo vệ không gian kiến trúc biệt thự, đó là:
Đặc khu biệt thự được giới hạn bởi các đường Lê Quý Đôn – Tú Xương – Lê Ngô Cát – Ngô Thời Nhiệm, thuộc phân khu 4 (khu thấp tầng) của Đồ án quy hoạch phân khu Khu trung tâm hiện hữu Thành phố 930ha.
Và khu biệt thự làng Đại học Thủ Đức tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, được giới hạn bởi các đường Xa lộ Hà Nội – Võ Văn Ngân – Dân Chủ - Đặng Văn Bi. Khu vực này đã được duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc từ năm 2017.
Chủ các biệt thự cũ nhóm 1 phải giữ nguyên trạng ban đầu, không được phá dỡ nếu chưa có kiểm định đã hư hỏng nặng hoặc có nguy cơ sụp đổ của Sở Xây dựng. |
Đối với các biệt thự cũ phân loại nhóm 1 do đây là những biệt thự có giá trị lịch sử và hiện không còn nhiều, Sở QH-KT đề xuất UBND Thành phố cần có chủ trương thu hồi hoặc trưng mua nếu của tư nhân;
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ về kinh phí duy tu, bảo dưỡng, giao đất với chế độ ưu đãi… theo kế hoạch của thành phố để có điều kiện bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các biệt thự này.
Theo phân loại, các biệt thự cũ nhóm 1 phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Chủ các biệt thự cũ này không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu, không phá dỡ nếu chưa hư hỏng nặng và có nguy cơ sụp đổ theo kết quả kiểm định của Sở Xây dựng.
Quận nào ở TP.HCM có nhiều biệt thự cũ nhất?
- TP.HCM vừa có quyết định phân loại 151 biệt thự cũ trên địa bàn thành 3 nhóm, trong đó có quận sở hữu gần 100 biệt thự cũ.
Phương Anh Linh