Giải pháp trên được Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Trung tâm) đề xuất, gửi đến Sở GTVT TPHCM xem xét về việc điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép tại các trạm thu phí trên địa bàn thành phố.
Theo Trung tâm này, thành phố đang có 3 tuyến đường bố trí trạm thu phí cho các dự án BOT gồm xa lộ Hà Nội trên đại lộ Võ Nguyên Giáp và BOT cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công (TP Thủ Đức); trạm thu phí cho dự án BOT đoạn An Sương - An Lạc nằm trên quốc lộ 1 đoạn qua quận Bình Tân.
Sau quá trình phối hợp, khảo sát gồm Ban an toàn giao thông, Phòng CSGT, Thanh tra Sở GTVT, chủ đầu tư các dự án BOT… , Trung tâm và các đơn vị nhận thấy các tuyến đường trên đều là trục giao thông huyết mạch với mật độ xe dày đặc, nhất là ô tô có trọng tải lớn.
Đồng thời, hiện nay chưa có quy định cụ thể về tốc độ tối đa khi qua trạm, vận tốc tối đa ô tô được chạy trên các tuyến này khoảng 60-80 km/h nên tiềm ẩn rủi ro về an toàn giao thông, an toàn lao động tại các trạm thu phí.
Do đó, các đơn vị thống nhất phương án đề xuất, ô tô chạy gần tới các trạm thu phí buộc phải giảm dần tốc độ.
Cụ thể, ở khoảng cách trạm từ 180-200m, ô tô buộc phải giảm tốc độ xuống còn 40km. Khi cách trạm khoảng 50m thì tốc độ tối đa còn 30 km/h để vào làn thu phí.
Các đơn vị sẽ lắp đặt thêm hệ thống biển báo và tăng cường tuyên truyền cho tài xế nắm rõ việc điều chỉnh giao thông để hạn chế gây xáo trộn.
Một nhà đầu tư dự án BOT ở TPHCM cho biết, rất đồng tình với phương án giới hạn tốc độ xe khi di chuyển qua trạm thu phí. Hiện nay, các trạm thu phí đều triển khai thu phí không dừng nên barie tự mở khi có phương tiện lưu thông qua. Tuy nhiên, nhiều xe chạy nhanh hoặc tài xế bất cẩn, thiếu quan sát dễ gây tai nạn cho nhân viên làm việc ở trạm.
Hồi đầu tháng 5, một tai nạn thương tâm xảy ra ngay tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức. Nạn nhân là nam nhân viên đang làm việc tại đây.
Theo camera giám sát, nhân viên này mở cửa cabin bước xuống làn đường trong lúc xe container lao tới với tốc độ rất nhanh đã tông trúng khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.