Sáng 11/6, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định điểm của giấy phép lái xe tại điều 58.

Theo ông Lê Tấn Tới, có ý kiến cho rằng, trừ điểm giấy phép lái xe là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung. Một số ý kiến đề nghị giao Bộ GTVT quy định về tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để phục hồi điểm trừ nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo luật được tiếp cận là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe. Điều này cũng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với người lái xe, phòng ngừa vi phạm, không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

“Việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển”, ông Lê Tấn Tới cho hay.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, việc kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, không phải là sát hạch lại để cấp giấy phép lái xe, nhưng có nội dung tương tự nội dung sát hạch lý thuyết cấp giấy phép lái xe.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh sửa quy định kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) theo quy định tại khoản 8 Điều 60 của Luật này (Bộ trưởng Bộ GTVT quy định).

“Còn về thẩm quyền kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGTĐB thì giao cho lực lượng Cảnh sát giao thông là phù hợp, vì lực lượng này có trách nhiệm quản lý người sau khi được cấp giấy phép lái xe”, ông Lê Tấn Tới cho hay.

nguyen van long.jpg
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an.

Tiếp thu ý kiến tại phiên họp, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc kiểm tra lại người bị trừ hết điểm giấy phép lái xe là một trong những kinh nghiệm của các nước hiện nay.

Theo ông Long, việc này được họ giao cho cơ quan Cảnh sát giao thông thực hiện. Qua đó, khi những người đã bị trừ hết điểm sẽ phải kiểm tra lại tâm lý, sức khỏe tâm thần, kiểm tra lại ma túy, kiến thức pháp luật về điều khiển phương tiện giao thông thì mới được cấp bằng tiếp, cấp điểm tiếp.

Xe chở học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị bổ sung quy định xe ô tô chở học sinh, trẻ mầm non. Cụ thể, xe ô tô chở học sinh, trẻ mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.

“Quy định này để ngăn việc bỏ quên học sinh, trẻ mầm non như vụ việc trẻ tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Thái Bình vừa qua”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nói.

Đánh giá cao việc bổ sung quy định trên vào dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh cần tăng cường tuyên truyền, triển khai để không xảy ra tình trạng để bỏ quên học sinh, trẻ mầm non trên xe đưa đón.

“Cần rà soát rộng rãi các xe chở học sinh, xe nào không đảm bảo tiêu chuẩn thì loại hết. Có lẽ nên dán nhãn xe đưa đón đủ tiêu chuẩn để tránh lợi dụng”, ông Nguyễn Khắc Định nói.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho rằng việc bổ sung nội dung như dự thảo góp phần quy định cụ thể, chặt chẽ với xe đưa đón học sinh.

Đề cập quy định trường hợp chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định, ông Bùi Văn Cường đề nghị nói rõ theo quy định nào, cơ quan nào có thẩm quyền ban hành quy định, tránh “theo quy định” mà chung chung không rõ ở đâu.

Tổng thư ký Quốc hội lưu ý, theo Luật Đường bộ có 2 trường hợp xe đưa đón học sinh là của cơ sở giáo dục và của cơ sở kinh doanh vận tải. Do đó, ông đề nghị không chỉ quy định trách nhiệm cơ sở giáo dục mà còn có cơ sở kinh doanh vận tải, như thế chặt chẽ hơn.

Cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất của cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc bổ sung quy định góp phần khắc phục những bất cập vừa qua và tiệm cận với kinh nghiệm quốc tế.

Dẫn ví dụ thế giới có quy định lái xe chở trẻ em trước khi xuống xe, đóng cửa thì bắt buộc phải đi xuống cuối xe kiểm tra, nếu không đi là chuông báo kêu, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng đó cũng là kinh nghiệm tốt.