Quang cảnh trước Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber sáng ngày 27/1/1973 thật náo nức, tưng bừng. Cả một rừng cờ, cờ đỏ sao vàng và cờ nửa đỏ nửa xanh, hoa và biểu ngữ trong tay hàng nghìn kiều bào và bạn bè Pháp.
Nhiều người trèo lên ban công của các ngôi nhà đối diện, có cả những cụ già 60 - 70 tuổi và những em bé 9 - 10 tuổi đi theo bố mẹ, đầu trùm khăn kín mít để chống lại cơn gió lạnh buổi sáng. Họ phất cờ, la khản cả cổ: "Hoan nghênh thắng lợi Hiệp định Paris! Hoan nghênh Chính phủ cách mạng lâm thời! Hoan nghênh Việt Nam Dân chủ cộng hoà! Hoà bình độc lập cho Việt Nam".
Còn vinh quang nào bằng khi được có mặt trong đoàn đại biểu của một dân tộc anh hùng đã giành được sự kính nể và lòng ngưỡng mộ của toàn thế giới, và bước chân vào hội trường dưới ánh đèn rực rỡ, ngồi lần cuối cùng xung quanh chiếc bàn tròn phủ nỉ xanh lục và chứng kiến những giây phút lịch sử khi các vị bộ trưởng Bộ Ngoại giao đặt bút ký vào các văn bản hiệp định.
Trong tiếng bấm máy ảnh lách tách và ánh đèn flash của hàng trăm phóng viên đang thi nhau ghi lấy những hình ảnh lịch sử này, chúng tôi bồi hồi xúc động nhớ đến sự hy sinh xương máu của bao người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Chiến công của ngày hôm nay là sự kết tinh của hy sinh ấy cộng với bao năm tháng đấu tranh miệt mài trên "mặt trận không tiếng súng".
Nhưng không phải tất cả những ai theo suốt hành trình cuộc đàm phán lại được có mặt trong ngày vinh quang ấy. Trong khi mọi nghi lễ đang diễn ra tại hội trường Kléber thì đại tá Đặng Văn Thu, cố vấn quân sự và đồng chí Lê Mai, phiên dịch tiếng Anh phải khẩn trương ra sân bay Le Bourget. Đêm hôm trước, các anh nhận được lệnh bay thẳng từ Paris về sân bay Tân Sơn Nhất để nhập vào đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời do tướng Trần Văn Trà dẫn đầu tại Ủy ban Liên hợp quân sự bốn bên, sẽ họp ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tại trại Davis (Tân Sơn Nhất).
Đêm đó, đồng chí Lê Mai chuẩn bị hành trang để ngày mai lao vào cuộc chiến đấu mới, ngay trong hang ổ kẻ thù. Anh hết sức băn khoăn, vì làm phiên dịch cho tướng Trần Văn Trà mà lại mặc "com lê cà vạt" như ở Paris. Suy nghĩ mãi không biết "đào đâu ra" một bộ quân phục giải phóng, anh mới sực nhớ ngoài tủ kính Phòng Thông tin Chính phủ cách mạng lâm thời, tại số nhà 16, đại lộ Georges Mandel, có trưng bày một bộ quân phục Giải phóng quân. Nhưng khi mặc thử thì lại quá rộng so với cỡ người nhỏ nhắn của anh!
Rất may, trong đoàn có phóng viên quay phim Lương Xuân Tâm, một người trẻ tuổi, hết sức đa tài của đoàn, ngoài tài quay phim, chụp ảnh anh còn có biệt tài cắt may và nấu nướng. Ngay trong đêm 26, anh gò lưng bên chiếc máy khâu, sửa lại bộ quần áo cho bạn mình. Vậy là sáng hôm sau, đồng chí Lê Mai đã có bộ quân phục quân giải phóng chỉnh tề, tươm tất để bước vào trận địa mới.
Sau khi vận bộ quân phục, cùng đại tá Đặng Văn Thu, Lê Mai ra sân bay để về Tân Sơn Nhất. Tiễn các anh có đồng chí Dương Đình Thảo, người "phát ngôn" của đoàn, đã bao năm "đứng mũi chịu sào" trước dư luận và công chúng bên lề hội nghị. Anh đã thay mặt đoàn ra sân bay tiễn các đồng chí mình đi ra trận địa mới, thay vì có mặt tại hội trường Kléber để chứng kiến giây phút ký hiệp định lịch sử và nghe tiếng hoan hô nhiệt liệt của bà con kiều bào và bạn bè.
Thiếu tá, Ths Phạm Thúy Quỳnh - Trường Quân sự Quân khu 7