Trong những thập kỷ 1970 - 1980, Việt Nam đối mặt với nhiều thử thách, đói nghèo và lạc hậu. Những khuyết tật của phương thức quản lý kinh tế theo mô hình cũ ngày càng bộc lộ rõ nét và nghiêm trọng.
Suốt 10 năm, hàng chục cuộc "phá rào" với những tìm tòi, thử nghiệm hướng đi mới đã diễn ra, được ví như quá trình "thai nghén", tập dượt để đi đến những quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986.
Tuy nhiên, vai trò và những đóng góp của nhiều cá nhân tiêu biểu trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này đến nay vẫn chưa được minh định, thậm chí còn có các ý kiến khác nhau.
Loạt bài dưới đây hy vọng góp phần khắc họa một số chân dung và như một lời tri ân tới những người mở lối, đã lát những viên gạch đầu tiên trên con đường đổi mới của đất nước...
Kỳ 1: Anh Ba - Anh Năm và 'đêm trước đổi mới'
Tầm nhìn của "ngọn đèn 200 nến"
"Ngọn đèn 200 nến" là từ mà đồng bào, đồng chí dành cho anh Ba-Tổng bí thư Lê Duẩn. Bộ óc sáng láng ấy không chỉ có đóng góp to lớn trong
công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà còn là nhà lãnh đạo luôn đầy ắp những ý tưởng sáng tạo và đổi mới trong một thập kỷ sau giải phóng.TS Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, thời kỳ đầu những năm 80 của thế kỷ trước là Phó chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước cho rằng, Tổng bí thư Lê Duẩn là người có tư duy "vượt trước", sớm nhận ra những hạn chế của cơ chế quản lý kinh tế cũ.
Cố Tổng bí thư Lê Duẩn |
Luôn sáng tạo và khuyến khích các cách làm mới là điều được nhiều người nhắc tới khi nói về "ngọn đèn 200 nến" Lê Duẩn.
Còn nhớ sau khi Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc bị phê phán nặng nề vì cho nông dân sớm làm "khoán chui", Tổng bí thư Lê Duẩn đã đến Vĩnh Phúc để thăm và chia sẻ với đồng chí Kim Ngọc.
Trò chuyện với Bí thư Kim Ngọc về kinh tế hợp tác xã nông nghiệp, ông nói: "Về hoạt động kinh tế của hợp tác xã tôi có điều rất phân vân. Bởi vì, 5% ruộng đất giao cho gia đình thì người ta làm ra 45% thu nhập, còn 95% ruộng đất giao cho hợp tác xã thì chỉ làm ra khoảng 50% thu nhập, dù 50% này là lương thực rất cần cho xã hội.
Tôi phân vân đã lâu, nhưng thật sự chưa nghĩ ra được cách gì giải quyết. Nay anh đề ra "khoán hộ" thì có lẽ đó cũng là một cách. Nhưng vì quá mới, ngược với suy nghĩ và cách làm lâu nay, cho nên đa số anh em không đồng tình với anh. Anh yên tâm, một sáng kiến làm ăn mới chưa được mọi người chấp nhận ngay thì cũng là chuyện bình thường".
Cũng với tư duy luôn đổi mới, luôn vận động, có lẽ đồng chí Lê Duẩn là một trong số ít các nhà lãnh đạo cấp cao sớm chấp nhận kinh tế nhiều thành phần.
Nguyên Phó thủ tướng Trần Phương kể: "Năm 1981, với vai trò Bộ trưởng Bộ Nội thương, trong một cuộc họp, tôi đưa ra ý kiến đề nghị cải cách chuyển sang cơ chế quản lý thương mại theo cơ chế tự do. Rất nhiều ý kiến phản đối. Họ nói: Tiền đâu mà in đủ để trả lương, để mua lương thực, thực phẩm? Làm sao cân đối được ngân sách? Tôi nói: Phải tôn trọng quy luật cung cầu.
Cuối cùng, anh Ba "tóm lại" là đồng ý với tôi về tư tưởng. Nhưng anh nói: Tôn trọng quy luật cung cầu nhưng căn cứ vào thực tế thì chưa thể bỏ hết kế hoạch hóa mà phải có lộ trình. Cụ thể là từ việc Nhà nước khống chế 42 mặt hàng thì giảm xuống còn 8. Tiếp theo đó, anh Ba đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan ra lệnh bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, ban hành Chỉ thị khoán 100 của Ban Bí thư, chỉ thị 3 kế hoạch trong công nghiệp.
Tháng 10-1981, Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm đồng lúa của HTX nông nghiệp Trường Sơn (huyện Kiến An, thành phố Hải Phòng) - đơn vị đạt năng suất cao về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ảnh tư liệu. |
Những năm cuối đời, do hạn chế về sức khỏe, tuổi tác và hoàn cảnh lịch sử cụ thể nên Tổng bí thư Lê Duẩn chưa có điều kiện để hệ thống hóa các quan điểm đổi mới và hiện thực hóa trong thực tiễn đất nước.
Trong ông vẫn không nguôi khát vọng cháy bỏng và lớn lao về một đất nước hùng cường, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bầu nhiệt huyết và tư tưởng đổi mới của ông đã được thế hệ kế nhiệm tiếp nối và phát triển.
Tổng bí thư của đổi mới
Đồng chí Trường Chinh nhận trọng trách là Tổng bí thư của Đảng ở hai thời điểm đặc biệt của cách mạng Việt Nam: Lần 1 vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, chuẩn bị và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc và lần 2 vào tháng 7-1986 khi Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời ngay trước Đại hội VI 5 tháng.
Anh Năm-Trường Chinh là một nhà lãnh đạo nghiêm cẩn, rất coi trọng lý luận và hết sức nguyên tắc nhưng lại được coi là "Tổng bí thư của đổi mới".Ông đã để lại dấu ấn đậm nét trong các quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng lần thứ VI. Ông là vị Tổng bí thư đưa ra quyết định đầy bản lĩnh và chưa từng có: Viết lại toàn bộ Báo cáo chính trị ngay sát ngày đại hội theo quan điểm: Quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối đổi mới. Và với quyết định này đã mở ra một bước ngoặt mới cho đất nước.
Cố Tổng bí thư Trường Chinh |
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đầu thập kỷ 80 là một trong những nhà lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh kể lại: "Chỉ tính riêng trong hai năm 1982, 1985 đồng chí Trường Chinh từng nhiều lần đến Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí viết: "Việc đi thăm thành phố... cũng như các chuyến đi thăm các địa phương khác trong thời gian qua đã giúp tôi hiểu rõ thêm tình hình thực tế của đất nước, từ đó mà suy nghĩ về một số vấn đề chung có ích trong việc đóng góp vào sự lãnh đạo của Trung ương".
Trong những năm đó, ông đã khảo sát gần 20 tỉnh, thành phố từ miền Nam, ra miền Trung và về miền Bắc. Với tác phong sâu sát, cầu thị, tôn trọng thực tiễn, ông đã thực sự làm một cuộc cách mạng từ trong tư duy của chính mình.
Ban đầu, khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 100 về: "Mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp", ông chưa nhiệt tình ủng hộ, có vẻ vẫn còn phân vân, hoài nghi.
Nhưng bằng hàng loạt các chuyến đi thực tế đến các hợp tác xã ở Kim Thi, Tứ Lộc (Hải Hưng trước đây), Hải Phòng, về quê hương Hà Nam Ninh (trước đây)..., ông đã thấy sự khác biệt giữa cơ chế quản lý cũ với mô hình khoán trong các hợp tác xã nông nghiệp và công khai tán thành, cổ vũ Chỉ thị 100.
Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành nhớ lại kỷ niệm những lần đồng chí Trường Chinh về thăm Hải Phòng vào đầu những năm 80: "Anh Năm rất chú ý lắng nghe và thường nhắc đi, nhắc lại hai từ: "Hay nhỉ!" với nụ cười rất tươi. Anh chỉ hỏi những điều chưa rõ. Không thấy anh tranh luận, hoặc nêu vấn đề cho anh em thảo luận. Nhưng tôi thấy anh suy nghĩ nhiều. Trưa về ăn cơm tôi cũng thấy anh suy nghĩ...
Ngay cả trong câu chuyện lúc nghỉ, anh vẫn hỏi tôi chi tiết về cuộc sống của nông dân, của công nhân, của bộ đội, của cán bộ viên chức. Những lúc ấy tôi cung cấp cho anh những số liệu cụ thể, thiết thực về đời sống của nhân dân, của cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố...".
Trước những bức bách và đòi hỏi gay gắt phải giải bài toán hóc búa từ cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội của đất nước, đồng chí Trường Chinh đã tập hợp một tổ nghiên cứu (còn gọi là nhóm cố vấn Tổng bí thư) gồm những trí thức, cán bộ có tư tưởng đổi mới để nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn nước ta, làm căn cứ phương pháp luận cho việc xác định con đường và bước đi của cách mạng.
Khi giao nhiệm vụ cho tổ nghiên cứu này ông khẳng định: "Tình thế lúc này không thể kéo dài được nữa, không thể duy trì cách nghĩ, cách làm cũ cũng như những chủ trương chính sách và cơ chế quản lý như trước được nữa".
Nhóm cố vấn Tổng bí thư được thảo luận nhiều vấn đề trọng đại và nóng bỏng của đất nước khi đó như: Vấn đề một giá hay hai giá, kinh tế nhiều thành phần, quan điểm cơ cấu đầu tư... một cách dân chủ và thoải mái nhất.
Chủ đề được Tổng bí thư nêu và anh em tranh luận. Nhóm có thể đưa ra những nhận định, đánh giá quan điểm trái ngược chủ trương mà không sợ "phạm húy". Tổng bí thư chỉ ngồi lắng nghe và chăm chú ghi chép từng chi tiết...
Gần đến ngày Đại hội VI, trong Đảng và xã hội vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Với vai trò "thuyền trưởng", ông đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đấu tranh bảo vệ cho các quan điểm đổi mới.
Tại một hội nghị cán bộ của Hà Nội, ông trình bày phương hướng, nội dung công cuộc đổi mới và quả quyết: "Trong lúc này, chúng ta chỉ có hai khả năng lựa chọn: Đổi mới để tiến lên hay đi theo con đường cũ để chết. Chúng ta phải dứt khoát đổi mới".
Tổng bí thư Trường Chinh đã chủ trì hội nghị trung ương để bàn về những ý kiến khác biệt xung quanh dự thảo văn kiện đại hội.
Sau này được gọi là hội nghị ba quan điểm, kết luận những luận điểm quan trọng, trái ngược với đường lối cũ. Đó là: Phát triển kinh tế nhiều thành phần, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư và đổi mới cơ chế quản lý.
Những nội dung này đã thay đổi cơ bản nội dung của dự thảo Báo cáo chính trị lần 1 và được coi là "linh hồn" của văn kiện Đại hội VI.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng chia sẻ: "Điều tôi thấy hết sức thú vị là "tác giả"- nói chính xác hơn là chủ biên của đổi mới - lại là một người được coi là hết sức "cứng" như đồng chí Trường Chinh. Tôi hiểu rằng, đồng chí đã chú ý nghe từ nhiều phía và đặc biệt là đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình. Đồng chí là người rất kiên trì đấu tranh với mọi ý tưởng, mọi sự việc và theo đồng chí là không đúng và cũng rất quyết đoán đối với những điều mà đồng chí cho là đúng đắn, đủ cơ sở".
Kỳ 2: “Ông Kim Ngọc” ở Hải Phòng và ngoại giao Ba Đình
Theo Trần Hoàng Tiến/ Quân đội Nhân dân
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại