Trong thời đại kinh tế thị trường với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, báo chí trực tuyến (online) cũng được xem làm một loại hình kinh doanh của doanh nghiệp, là một sản phẩm của doanh nghiệp và để báo online phát triển, đem lại các thông tin chất lượng đến cho độc giả, việc thu phí đọc báo trên website đang là một xu hướng rõ nét trong vài năm trở lại đây.
Xu thế này đã được bắt đầu hơn một thập kỷ trước đây trên làng báo online thế giới với khởi đầu là Wall Stree Journal (Mỹ) sau đó là một loạt các tên tuổi khác trên thế giới như Economist, the Sun, Washington Post và mới đây nhất là New York Times.
Kiếm tiền từ internet gần như là một yêu cầu sống còn với gần như tất cả các cơ quan truyền thông, khi cuộc sống đang trong một quá trình “số hoá” không thể đảo ngược. Rõ ràng rằng, đã là một sản phẩm kinh doanh thì cũng như bao sản phẩm khác, việc thu phí đọc báo online không còn là việc doanh nghiệp muốn làm hay không muốn làm mà cần phải làm để tồn tại và phát triển vì đó là một sản phẩm góp phần vào “cuộc chơi” tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh báo chí trực tuyến.
Chiến lược thu phí của New York Times qua hệ thống Paywall
New York Times chính thức bắt đầu dịch vụ thu phí từ tháng 9/2005, tuy nhiên sau 2 năm, tạp chí này đã hủy việc thu phí do tiền thu phí không bù được khoản doanh thu mất đi từ quảng cáo trên trang miễn phí trước đó. Tuy nhiên, vào ngày 28 tháng 3 năm 2011, New York Time bắt đầu quay lại với việc tính phí nhưng điều chỉnh thông qua công cụ paywall, điều chỉnh bằng cách cho miễn phí một lượng tin bài nhất định. Cụ thể, trang chủ và các chuyên mục ở trang nhất không bị giới hạn, nhưng nếu người đọc truy cập quá 20 bài báo (hiện rút xuống còn 10 bài) mỗi tháng, thì họ sẽ phải trả tiền.
Hệ thống mà New York Times sử dụng gọi là paywall, phương pháp mà nhiều tờ báo hiện đang sử dụng để đối phó với doanh thu sụt giảm nghiêm trọng từ quảng cáo báo in. Theo thống kê dưới đây, mức doanh thu từ quảng cáo của các cơ quan truyền thông tại Mỹ rơi tự do với mức 75%
Bảng 1: Mức sụt giảm Doanh thu và Chi phí của một tờ báo lớn tại Mỹ, 2010
Doanh thu (%) |
Chi phí (%) |
||
Quảng cáo |
75% |
Chính |
37% |
Bán lẻ |
42% |
Quảng bá |
13% |
Rao vặt |
25% |
Biên tập |
15% |
Toàn quốc |
8% |
Hành chính |
9% |
Đăng ký và Quầy báo |
25% |
Sản xuất và phân phối |
52% |
|
|
Sản xuất |
20% |
|
|
Phân phối |
14% |
|
|
Nguyên vật liệu |
18% |
Nguồn: Harold L. Vogel, Kinh tế ngành công nghiệp giải trí, xuất bản lần thứ 8 (Cambridge University Press, 2011), trang 371.
Tuy nhiên, một số ý kiến thì cho rằng đây là cách làm không bền vững. Mathew Ingram của GigaOm tuyên bố, “Nếu paywall là chiến lược duy nhất của họ, thì New York Times sẽ bị tiêu diệt.”
Katharine Weymouth, người xuất bản của The Washington Post, một tờ báo quan trọng khác, kịch liệt chống lại paywall.
“Chúng tôi muốn Washington Post tồn tại một cách lâu dài, và vào thời điểm này, chúng tôi nghĩ cách tốt nhất để làm điều đó chính là một trang web miễn phí cho tất cả mọi người và thu hút được càng nhiều người dành càng nhiều thời gian với tờ báo của chúng tôi càng tốt,” Bà Weymouth tuyên bố.
Thế nhưng sau đó một vài năm, Washington Post đã thất bại: do sự sụt giảm nguồn thu quá lớn từ báo in, tờ báo hàng đầu nước Mỹ và thế giới này đã phải bán mình cho tập đoàn Amazon của tỷ phú Jeff Bezos, người tuyên bố sẽ làm một cuộc cách mạng về báo chí. Và dĩ nhiên, cuộc cách mạng xuất phát từ một người khổng lồ của internet, Amazon, sẽ phải xuất phát từ việc “số hoá”.
Với New York Times, tuy còn quá sớm để khẳng định họ đã thành công, những kết quả ban đầu là khá khả quan. Đến tháng 12 năm 2011, số lượng người đăng ký kỹ thuật số với The Times tăng lên đến 390,000 người. CEO của hãng, ông Mark Thompson, tự tin tuyên bố lượng người đăng ký trả tiền để đọc New York Times sẽ vượt mức 1 triệu người ngay trong mùa hè này (2015).
Thành công, ít nhất là đảm bảo được sinh tồn, của New York Times, và sự thất bại của Washington Post cho thấy trong kỷ nguyên mới những ai chịu thích nghi và không bắt kịp với môi trường mới sẽ bị đào thải.
Tại sao New York Time lại thành công với paywall? liệu paywall có phải là một ý tưởng tốt để tiếp nối thành công trong dài hạn cho New York Time hay không? Liệu paywall có tạo ra một nền tảng cho mô hình doanh nghiệp thành công bền vững như NY Times? Và những yếu tố nào sẽ tạo ra nền tảng cho một mô hình doanh nghiệp kinh doanh báo chí trực tuyến thành công nói chung? Những câu hỏi như vậy sẽ được một trong những bậc thầy (guru) hàng đầu thế giới về thương hiệu, GS John A Quelch, phân tích chi tiết trong ngày thuyết giảng duy nhất tại Việt Nam trong Hội nghị Vietnam CEO Summit 2015, nằm trong chuỗi sự kiện Một ngày Harvard tại Việt Nam lần thứ 8 do Vietnam Report tổ chức vào ngày 13/7/2015 tới đây tại KS Pullman TP Hồ Chí Minh.
Mô hình kinh doanh trực tuyến nào thích hợp cho Việt Nam
Có lẽ nhiều doanh nghiệp internet, đặc biệt là các cơ quan báo chí và trang tin điện tử, đang phấp phỏng chờ xem liệu paywall có phải là câu trả lời tương lai. Các website của Việt Nam hiện nay vẫn cố gắng đáp ứng nguồn thu từ quảng cáo, coi đây là giải pháp tốt trong dài hạn, tuy vậy nhiều chuyên gia cho rằng đó chưa hẳn đã bền vững.
Thứ nhất là bởi xu hướng các doanh nghiệp tự thiết lập website và quảng cáo cho riêng mình, giảm tối thiểu khâu trung gian giữa DN và người tiêu dùng. Thứ hai, đối với báo chí và trang tin, áp lực từ quảng cáo sẽ khiến các tờ báo chạy theo thị hiếu và không tập trung nhiều vào phần nội dung quan trọng. Đó sẽ là “cuộc đua tới đáy” của báo chí, khiến cho nó tự huỷ diệt mình khi vai trò cung cấp thông tin cần thiết để người đọc đưa ra quyết định bị mất dần đi.
Trong một thị trường báo chí trực tuyến Việt Nam có dung lượng khá lớn, với rất nhiều đầu báo lớn, nhỏ khác nhau, tuy nhiên tăng trưởng doanh thu từ quảng cáo chủ yếu rơi vào các tờ báo lớn, các tên tuổi lớn trong làng báo điện tử Việt Nam. Đối với các tờ kém tên tuổi hơn, nếu không sống được bằng doanh thu quảng cáo, có lẽ phải dựa vào “cửa sống” duy nhất là bán nội dung. Tuy nhiên việc này đồng nghĩa với chất lượng tin phải đủ hấp dẫn để người dùng sẵn sàng dốc hầu bao ra chi trả. Hiên mới manh nha có một số tên tuổi đưa ra hình thức thu phí như trường hợp của Thời báo kinh tế Sài Gòn (Saigon Times), hay mới đây là Forbes Việt Nam, tuy vậy cho đến nay, khó có thể coi đây là một mô hình thành công.
Ở Việt Nam, tâm lý của người dùng vẫn là bất cứ thứ gì xuất hiện trên internet sẽ là miễn phí. Do đó, khi Zing.vn, một website cung cấp nhạc, bắt đầu tính đến chuyện tính phí người dùng khi download nhạc, nhiều người dùng đã tẩy chay, khiến trang này phải có thêm những lựa chọn khác (download bản nhạc chất lượng thấp hơn, nhưng miễn phí).
Vì vậy, để người lướt web chấp nhận trả tiền cho việc đọc báo hay kiểm tra tin tức là rất khó. Điều này lại được cộng hưởng với thực tế là ở Việt Nam, internet banking còn chưa phát triển, khiến cho việc thanh toán trở nên khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều.
Các lĩnh vực truyền thông khác, bao gồm âm nhạc, sách, và phim, cũng đang trong một quá trình chuyển dạ từ các hình thức “thực” sang kỹ thuật số. Điều khó khăn nhất đối với doanh nghiệp là phải cân bằng giữa cả hai thế giới thực và ảo, giữa một bên là tài sản hữu hình và một bên là tài sản vô hình. Một bên mang lại lợi nhuận tương đối ổn định, một bên dự đoán là bấp bênh nhưng có triển vọng xán lạn.
Sống trong một thời đại mà tất cả mọi thứ đều được “số hoá”, rõ ràng chiến lược kinh doanh của mọi doanh nghiệp không được phép tách rời internet. Thành công được như New York Times, hay gục ngã như vô vàn các doanh nghiệp internet ở cả trong nước và nước ngoài, phụ thuộc phần lớn vào tầm nhìn và khả năng của mỗi doanh nhân.
Bài học kinh nghiệm từ những thành công và thất bại của các tên tuổi hàng đầu trong làng báo chí Mỹ, như Washington Post, New York Time sẽ là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho các doanh nghiệp Việt khi cân nhắc chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh mới trong thời đại số hoá. Trường hợp NewYork Time cũng là một trong những case nghiên cứu sẽ được GS John A Quelch, nguyên Hiệu phó trường Kinh doanh Harvard, người được mệnh danh là “thầy phù thủy thương hiệu”thuyết giảng và thảo luận trong sự kiện Một ngày Harvard tại Việt Nam lần thứ 8 diễn ra vào ngày 13/7 tới đây theo đúng mô hình một buổi học điển hình của ĐH Harvard ngay tại Việt Nam. Sự kiện được tổ chức tại KS Pullman TP Hồ Chí Minh trong Hội nghị Vietnam CEO Summit 2015 do Vietnam Report tổ chức với chủ đề “Thương hiệu số và các công cụ marketing thế hệ mới: Những điển cứu mới từ Đại học Harvard”
Vietnam Report