Lời tòa soạn

Sau khi đăng bài Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: ‘Thu hút nhân tài bằng cân nhắc bổ nhiệm', báo VietNamNet nhận được bài viết của độc giả bàn sâu thêm những giải pháp được nêu ra. Nhận thấy, đây là vấn đề lớn, còn nhiều nội dung có thể trao đổi nhằm có giải pháp khả thi, bền vững hơn trong việc thu hút nhân tài, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Đỗ Ngô Trần và mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến khác về vấn đề này. Những ý kiến, bài viết xin gửi về địa chỉ btvthoisu@vietnamnet.vn. Những bài được chọn đăng được hưởng nhuận bút theo mức hiện hành của tòa soạn. Trân trọng! 

Nếu sống và làm việc theo kiểu ai sao tôi vậy tuy không mất lòng số đông nhưng lâu dần sẽ thành thói quen xấu, lắm khi là hậu quả tiềm ẩn, chẳng lẽ thấy số đông sai thì mình cũng sai theo sao? Hơn nữa, với người có năng lực và chính kiến sẽ không chấp nhận như vậy nên sẽ ra đi.

Em tôi làm trong một đơn vị sự nghiệp đã xin nghỉ việc vì không muốn sống và làm việc theo kiểu ai sao tôi vậy, không quan trọng đúng sai hay phải trái hoặc tốt xấu hay dở, sếp đưa ra ý kiến trong cuộc họp thì số đông xem đó như là “pháp lệnh” đều tán thành. Nhiều lần như vậy, em tôi đã xin nghỉ việc trong khi trước đó tìm mọi cách để có được một chỗ làm ấy. Tôi hỏi thì em trả lời sẽ tìm công việc khác hoặc làm cho tư nhân cũng được, chứ sống kiểu không giống ai lâu dần thành thói quen làm gương xấu cho con cái sau này. 

Không ít người có đầy đủ các loại bằng cấp chỉ làm đẹp hồ sơ, nịnh bợ để mong được thăng tiến nhanh trong công việc. Tình trạng này thường xuất hiện ở lĩnh vực Nhà nước, có trường hợp cấp trên thích được tâng bốc, nói sao cấp dưới nghe vậy, gọi dạ bảo vâng. Còn ở lĩnh vực tư nhân vẫn có nhưng hiếm, ít khi kéo dài, nịnh bợ mà không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng khó tồn tại chứ nói gì đến phát triển bản thay hay nghề nghiệp.  

Nhân viên, cán bộ y tế trong một ca phẫu thuật. Ảnh: Hoàng Hà

Quan sát tôi thấy những người có khả năng thật sự hiếm khi nịnh bợ, hổ thẹn với lương tâm mình trước những chuyện bất chính và phải luồn cúi để đạt mục đích. Thời bao cấp, nếu không làm trong bộ máy Nhà nước thì rất khó kiếm được công việc bên ngoài đúng chuyên môn hoặc sở trường. 

Ngày nay hội nhập quốc tế, miễn là có năng lực, không lo thiếu việc làm, có thể làm cho tư nhân trong và ngoài nước, rất nhiều nơi cần tuyển người đáp ứng nhu cầu. Bạn tôi tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ về nước, 3 lần mang hồ sơ xin việc đến một cơ quan chuyên ngành mà mình đã học, sau đó nhận được câu trả lời: “Ở đây không có nhu cầu”. Nhân lúc một tập đoàn lớn có trụ sở ở Singapore đăng báo tuyển dụng, anh nộp hồ sơ và thi trúng tuyển đúng ngành đã học, nhận mức lương 2.500 USD vào năm 2017.     

Nhiều ý kiến cho rằng, người có năng lực, người giỏi “người có tài thường có tật”. Chưa hẳn vậy, không nên xem xét ở góc độ đó, hãy nhìn theo hướng tích cực ở bản lĩnh, sự tự tin, lòng tự trọng. 

Có lần đi họp lấy ý kiến “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” ở cơ quan Nhà nước, tôi thấy một vị tiến sĩ từ chối nhận phong bì do đơn vị tư vấn gửi, hình như ai cũng ngạc nhiên và thắc mắc. Người chủ trì họp nói: “Đừng ngại, chỉ là tiền ăn trưa thôi mà”. Vị tiến sĩ đã trả lời “Cảm ơn. Tôi thường về nhà ăn trưa với gia đình” rồi ra về. Có người nói, “Chắc có điều gì phật ý ông ấy rồi”. Nhưng không phải vậy, tờ giấy A4 để lại trên bàn đã chứng minh, vị tiến sĩ nhận xét tốt “Báo cáo đánh giá tác động môi trường”. Được biết một thời gian sau đó, vị tiến sĩ cũng đã xin nghỉ việc.   

Câu hỏi đặt ra “Tại sao có nạn nịnh bợ?”. Vì người đứng đầu, thủ trưởng, lãnh đạo chỉ là một phần. Phải chăng, còn vì cơ chế! Trước hết trong đánh giá và xem xét lựa chọn giới thiệu theo sở thích yêu ghét và bổ nhiệm cán bộ có những nơi chưa làm tốt tinh thần dân chủ, minh bạch, công khai, công bằng. 

Từ đó, xảy ra chuyện thích hay không thích, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ dựa vào cảm tình, hợp gu, cánh hẩu... Mặc dù công tác cán bộ đã được đổi mới nhiều, nhưng trên thực tế vẫn không tránh khỏi những kẽ hở để kẻ cơ hội, kém tài, suy thoái đạo đức "chạy chức chạy quyền" chui vào bộ máy tạo dựng bè cánh, gây hại. Đã có những bài học đau xót trong giới thiệu và bổ nhiệm cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực nhưng là cánh hẩu, gia đình, dòng tộc, thân quen, đổi chác và không loại trừ  đút lót tiền bạc để được vào các vị trí trọng yếu. Hàng loạt cán bộ vi phạm pháp luật vướng lao lý nên phải trả giá khi bị kỷ luật, khởi tố. 

Dẹp nạn nịnh bợ cấp trên bắt đầu từ khâu nhân sự, công tác cán bộ sao cho có sự cạnh tranh một cách dân chủ, minh bạch, công khai, công bằng. Không gì khác, hạn chế bổ nhiệm, hãy tổ chức thi tuyển chọn người thích hợp nhất. 

Tiêu chí tuyển chọn cả chuyên môn, văn hóa, ứng xử tình huống. Nơi nào cần tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thì đăng ký. Nơi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải công khai các tiêu chí sao cho công bằng, khuyến khích mọi người đủ điều kiện có thể ứng cử. Quyết định nhân sự cần giải thích trên cổng thông tin điện tử đơn vị đó về việc xem xét, đánh giá người được đề bạt bổ nhiệm. 

Thiết nghĩ dỡ bỏ các rào cản để người có năng lực thực sự tham gia giữ chức vụ quan trọng ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước. Công khai nhu cầu, đối tượng tuyển dụng và tổ chức thi tuyển cạnh tranh công bằng chọn người có năng lực thật sự để bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý, điều hành. 

ĐỖ NGÔ TRẦN