Người Việt Nam hay nói việc bị một nước thứ ba nào đó đàm phán trên lưng mình để hưởng lợi. Trong câu chuyện nguyên tắc xuất xứ liên quan đến dệt - may trong TPP, dường như lại có khả năng một nước thứ ba hưởng lợi trên lưng các nhà đàm phán Việt Nam.

Hiệp định đối tác xuyên TBD: Chưa kết thúc trong năm nay

LTS: "Trong tổng số 1,3 tỷ USD thuế nhập khẩu mà 8 nước đang đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải nộp cho Mỹ một năm, khoảng 1 tỷ USD, liên quan đến hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam. Trong 1 tỷ USD đó, khoảng 80-90% lại do các nhà xuất khẩu hàng may mặc và giày dép chi trả." - đó là đánh giá của bà Virginia Foote về hai ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong việc giảm thuế quan xuống 0 phần trăm trong TPP.

Tuy nhiên, các nhà đàm phán Hoa Kỳ cũng lại đưa ra qui tắc xuất xứ để nước thứ ba không được hưởng lợi từ qui tắc này. Chính vì vậy, cuộc tranh luận về nguyên tắc xuất xứ trong dệt - may khá căng thẳng, và được coi là một trong những trở ngại chính giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tuanvietnam xin được tiếp tục câu chuyện TPP với bà Virginia Foote về những trở ngại này, bao gồm dệt - may, mua sắm chính phủ, hay qui định riêng về doanh nghiệp nhà nước, trước khi Việt Nam phải vượt qua rào cản cuối cùng là vấn đề quyền lao động (tự do hội đoàn và thoả ước tập thể).

Với việc tham gia của những nước xuất khẩu hàng dệt - may vào thị trường Mỹ như Mexico, liệu đòi hỏi về nguyên tắc "yarn-forward" (xuất xứ từ sợi trở đi) đối với những nước xuất khẩu phần lớn phụ thuộc vào vải nhập khẩu, như Việt Nam không?

Theo tôi hiểu đòi hỏi của Mỹ liên quan đến nguyên tắc xuất xứ trong dệt - may là nguyên tắc "yarn-forward với những linh hoạt nhất định. Chẳng hạn, trong CAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Dominique - Trung Mỹ), nếu một loại vải nhất định mà về mặt thương mại khó có thể cung cấp được trong khuôn khổ những nước tham gia hiệp định này, hàng may mặc sử dụng loại vải này sẽ được loại khỏi danh sách những mặt hàng cần tuân thủ nguyên tắc "yarn-forward".

Như vậy, với TPP, điều quan trọng là "khả năng cung ứng thương mại" được xác định như thế nào. Ví dụ, nếu một loại vải nhất định có ở Mexico, việc những công ty may ở Việt Nam phải chở vải từ Mexico về Việt Nam để may thành áo, và chở ngược sang Mỹ bán, là vô nghĩa về mặt thương mại. Đơn giản là các công ty đó sẽ phải chịu thêm chi phí vận chuyển, và mất thêm thời gian thực hiện, và như vậy khả năng mất hợp đồng từ các nhà nhập khẩu Mỹ là rất cao.

Sự phức tạp nằm ở chỗ tuy TPP được coi là một hiệp định thương mại tự do khu vực (khu vực lòng chảo Thái Bình Dương), nhưng thực ra lại bị phân chia làm tứ phương Đông - Tây - Nam - Bắc.

Liệu có khả năng sự linh hoạt này còn có thể bao hàm cả khả năng dùng nguồn thay thế tương đương. Chẳng hạn, thay vì nhập vải của Trung Quốc, Việt Nam có thể tăng cường nhập vải của Hàn Quốc là nước đã có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, để xuất hàng may mặc vào Mỹ?

Câu chuyện không đơn giản như vậy. Anh thử tưởng tượng xem nếu mỗi thành viên TPP lại mang theo những đối tác tự do thương mại song phương hay đa phương của mình vào TPP thì cuối cùng chẳng phải 9, hay 11 nước mà có khi cả nửa thế giới trong đó mất. (Cười lớn)

Nhưng có thể là một ý tưởng hay, nếu như, thay vì cắt - may như hiện nay, các nhà xuất khẩu may mặc của Việt Nam để lại phần cắt cho người Mỹ, và họ có thể nhập vải từ Hàn Quốc, hay Mexico, tuỳ họ, và Việt Nam thực hiện công đoạn may, và bổ sung những phụ liệu còn lại.

Với việc tham gia chuỗi giá trị kiểu này, Việt Nam có thể "né" được nguyên tắc "yarn forward". Tất nhiên, phần giá trị gia công sẽ giảm đi, nhưng bù lại sẽ hưởng lợi từ thuế suất bằng 0 phần trăm.

Tôi nghĩ giải pháp này hài hoà, hay chia sẻ, lợi ích của các quốc gia, và đặc biệt là những nhóm có lợi ích mâu thuẫn với nhau tại đó, và có vẻ như khả thi hơn là nguyên tắc "yarn forward" cứng nhắc.

Vả lại, chúng ta cũng nên để ý tới một khía cạnh khác của vấn đề: Đó là anh không thể đưa ra một tiêu chuẩn này đối với hàng may mặc, nhưng lại áp dụng một tiêu chuẩn khác đối với Ipad.

Đối với mỗi công ty, mỗi sản phẩm đều có một chuỗi cung ứng phức tạp, thì làm sao anh có thể xác định rằng với sản phẩm này sự tham gia của bên thứ ba là không được, nhưng với sản phẩm khác thì lại được phép. Chính vì vậy người ta mới đang mặc cả với nhau trên bàn đàm phán rất căng thẳng.

Người Mỹ có quan điểm rằng TPP cần phải mang lại lợi ích nhiều nhất cho các thành viên TPP. Nhưng mặt khác, ngay cả những mặt hàng như giày dép do Mỹ sản xuất, nhưng phụ kiện lại nhập từ Trung Quốc và người Mỹ chỉ ráp lại thành sản phẩm hoàn chỉnh thôi, và họ gắn dòng chữ "made in USA".

Hơn nữa, thị trường cao cấp luôn khó tính, và đó là chưa nói tới mối quan hệ đối tác lâu dài trong chuỗi cung ứng đã hình thành từ lâu. Nhà thiết kế ở Mỹ sẽ quyết định nhà cung cấp vải, hay phụ kiện là ai, đến từ nước nào.

Nhiều chuyên gia dự đoán rằng với những thay đổi mạnh mẽ về chính trị và xã hội của Myanmar, trong vòng 5 năm tới quốc gia này sẽ là một đối thủ quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài ở phân khúc thấp, trong đó có may mặc và da giầy. Như vậy, liệu Việt Nam có nên khăng khăng trong việc bảo vệ quan điểm giữ nguyên nguyên tắc cắt - may, thay vì yarn-forward, mà vẫn được hưởng thuế suất bằng 0 phần trăm trong TPP, hay là nên chủ động mời gọi các nhà đầu tư trong ngành dệt vào Việt Nam?

Tôi nghĩ rằng, với lượng xuất khẩu hiện nay chiếm khoảng 7% thị phần may mặc ở thị trường Mỹ, Việt Nam chưa đủ hấp dẫn với các nhà sản xuất trong lĩnh vực dệt, bởi đây là lĩnh vực đầu tư lớn với công nghệ cao. Những nhà máy dệt lớn nằm hầu hết ở Hàn Quốc, Đài loan, Trung Quốc, hay Nhật Bản. Họ cung cấp vải cho nhiều quốc gia.

Vì vậy, Việt Nam vẫn cần kiên nhẫn chờ đợi kim ngạch xuất khẩu của mình vào thị trường Mỹ tăng lên đủ mức hấp dẫn mới có thể thu hút được đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt.

Bao nhiêu theo bà là đủ?

Tôi nghĩ Việt Nam phải chiếm khoảng 15% thị phần hàng may mặc nhập khẩu vào thị trường Mỹ, tức là khoảng 14-15 tỷ USD, thay vì 6-7 tỷ USD như hiện nay.

Thế nếu Việt Nam ưu đãi hết mức với họ thì sao?

Về nguyên tắc thì OK. Nhưng trên thực tế, liệu hạ tầng Việt Nam có đủ sức đảm đương điều đó không? Nên nhớ là cần rất nhiều điện, rất nhiều nước để cung cấp cho nhà máy dệt. Việt Nam vẫn cần thời gian để cải thiện hạ tầng để đón họ.

Việc Mỹ không muốn nước thứ ba hưởng lợi từ mức thuế quan 0 phần trăm của TPP, bên cạnh sự phản đối của nhóm lợi ích may mặc ở trong nước, như hồi đàm phán cho việc Việt Nam gia nhập WTO, liệu còn vì lo ngại Trung Quốc, nước đang chiếm tới 40% thị phần may mặc ở thị trường Mỹ sẽ được hưởng lợi, và qua đó gián tiếp tăng thị phần thực tế của mình lên không?

Mỹ có hai điều quan ngại.

Thứ nhất, Mỹ vẫn còn có một ngành công nghiệp may mặc, tuy nhỏ so với các ngành khác, nhưng lại tạo được công ăn việc làm. Và lập trường của chính phủ Mỹ là phải bảo vệ những nhà máy may mặc đó.

Còn mối quan ngại thứ hai, thì đúng như anh nói, Mỹ không muốn nước thứ ba hưởng lợi từ TPP. Cái này người Mỹ có lý, đúng không nào? Chẳng lẽ lại để một nước thứ ba, như Trung Quốc, hưởng lợi trên lưng các nhà đàm phán Việt Nam.

(Còn tiếp)

Huỳnh Phan